Mác ngoại

Mác ngoại
TP - “Vào Bệnh viện Quốc tế Việt Pháp, tiền viện phí mỗi ngày đêm gần 40 triệu đồng mà không biết tính mạng bố ra sao. Xin chuyển viện bác sĩ không cho còn tỏ thái độ thách thức. Tôi không thể hiểu nổi”-  Anh Nguyễn Thanh Thông - con trái nhạc sĩ Thanh Tùng than. 

Đây không phải câu chuyện đầu tiên về lối ứng xử “không giống ai không giống cái gì” của một số bác sĩ tại bệnh viện “có giá”. Câu chuyện buồn này được một số người bình luận là “người giàu cũng khóc” - tên một bộ phim dài tập của Mexico lâu rồi. Anh Thông và gia đình vẫn bức xúc vì bệnh viện này có biểu hiện né tránh việc trả lời gia đình anh, dù đã quá thời hạn.

Nhạc sĩ Thanh Tùng vào viện với tình trạng  bị sốt nhẹ, với thẻ thành viên ưu tiên (VIP), ông được nằm phòng riêng, có y tá chăm sóc, người nhà không cần ở lại. Sáng hôm sau, anh Thông tới viện thăm, bất ngờ được thông báo bố đang nguy kịch “chuẩn bị lo hậu sự là vừa”. Sự việc bị bác sỹ đẩy lên cao trào. Rất may khi chuyển được sang BV Bạch Mai (ngay gần đó) thì nhạc sỹ tài hoa được cứu sống.

Câu chuyện trên cho thấy, không phải lúc nào giá cả cũng đi liền với chất lượng phục vụ. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người có điều kiện đổ xô đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Tuy nhiên, gần đây lại có thông tin nhiều bác sỹ giỏi, có trình độ được một số bệnh viện ở Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… thuê để chuyên khám chữa bệnh cho những người nước ngoài sang du lịch - chữa bệnh. Tất nhiên trong đó có khá nhiều người Việt.

Không hiểu những người ưa mác “ngoại” có xao động trước thông tin trên? Đành rằng phải giỏi, có trình độ thật thì bệnh viện nước ngoài mới thuê. Vì họ phải đảm bảo tiêu chuẩn của họ. Nhưng - so sánh thì thật khập khiễng - song rất nhiều người đi Mỹ hay châu Âu “hoảng hốt” khi phát hiện mua trúng hàng Made in Vietnam trong những cửa hàng bên đó (có khá nhiều).

Ở đây có một thông điệp về niềm tin. Một niềm tin có phần mù quáng. Nhưng cũng có cơ sở, xuất phát từ việc chúng ta “loạn chuẩn” trong chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Cũng như niềm tin mù quáng vào những tấm bằng được lấy về từ Pháp, Mỹ, Ý… mà không hay biết bên đó cũng có khá nhiều những tổ chức lập ra chỉ để “bán” bằng, bán những tờ chứng nhận một cách thiếu trách nhiệm.

Trở lại câu chuyện về dịch vụ y tế. Một hồi, các ngành chức năng phải ra tay dẹp “loạn” phòng khám Đông y Trung Quốc. Vấn nạn này đã tạm yên, nhưng luôn có nguy cơ bùng phát trở lại. Vấn đề là vẫn còn quá nhiều người sẵn sàng tin tưởng vô căn cứ trước những cái mác “ngoại”.

MỚI - NÓNG