Bài 3: Mấu chốt vẫn là chất lượng dịch vụ
“Ăn xổi” sẽ lĩnh đủ
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, cho biết: Tâm lý người Việt ra nước ngoài chữa bệnh là muốn được bác sĩ giỏi chăm sóc tận tình, máy móc hiện đại. Thực tế, ít năm gần đây, hạ tầng của bệnh viện Việt Nam được đầu tư tốt hơn, bài bản hơn. Nhiều bệnh viện được nâng cấp không kém các nước trong khu vực, đặc biệt là các bệnh viện tư. Theo ông Đệ, trình độ các giáo sư, bác sĩ Việt không thua kém nhiều so nước ngoài. Song, suốt thời gian dài đầu tư không đúng, dàn trải, không theo nhu cầu nên hiệu quả chưa cao.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên ĐH Y Dược TPHCM thừa nhận, việc bệnh nhân Việt ra nước ngoài chữa bệnh là hệ quả của kiểu kinh doanh “ăn xổi” của nhiều bệnh viện tư thời gian qua. Đầu tư bệnh viện theo kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là thất bại. “Đầu tư ồ ạt không có kế hoạch, không khảo sát thị trường nên không thu hút được bệnh nhân”, TS Nam nói. Ông Nam dẫn chứng, có tỉnh dân số khoảng 1 triệu người, với phân nửa là công nhân, nhưng có tới 5 bệnh viện tư nhân chuẩn quốc tế, mỗi bệnh viện quy mô cả nghìn giường, lấy đâu bệnh nhân (chưa tính hệ thống bệnh viện công). Đó là chưa kể, các bệnh viện nhiều “sao” hiện thu viện phí cao chót vót, nhưng chất lượng dịch vụ không mấy thay đổi. Có nhiều nơi thu phí gần bằng cả bệnh viện nước ngoài, nhưng dịch vụ chăm sóc vẫn chưa hoàn chỉnh.
“Cần xác định rõ mô hình nào cho mỗi loại bệnh viện tư nhân: Lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Nếu không hiện tượng đổ vỡ hàng loạt sẽ xảy ra như đối với các trường đại học tư nhân”.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên
ĐH Y Dược TPHCM
Giám đốc một bệnh viện tư lớn trong nước cho biết, để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, cần hội đủ các yếu tố: Có thầy thuốc giỏi, làm chủ kỹ thuật cao, cơ sở vật chất trang thiết bị hiện đại và sau đó là cách phục vụ tận tâm. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh viện thường chỉ tập trung vào chữa bệnh mà chưa quan tâm đến các nhu cầu chính đáng khác của người bệnh như tâm lý, dinh dưỡng… Do đó, một bộ phận khách hàng có điều kiện chi trả đã tìm đến các dịch vụ y tế ở nước ngoài là điều dễ hiểu. Ông Khoát Văn Trần, TGĐ Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội, nói: “Hằng năm, người Việt phải đem khoảng 5 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh, không phải chỉ 2 tỷ USD như Bộ Y tế ước tính. Theo ông Khoát, văn hóa của người Việt là, khi ốm đau đều muốn có người thân bên cạnh, do đó bệnh viện trong nước nếu đầu tư bài bản chắc chắn sẽ giữ chân được người bệnh. Quan trọng vẫn là chất lượng”.
“Lương y như từ mẫu” chỉ là khẩu hiệu?
Ông Nguyễn Văn Đệ nhìn nhận, Việt Nam không thiếu bác sĩ giỏi, cơ sở vật chất không kém nhiều nước, nhưng quy mô và cách thức tổ chức, cách làm thương hiệu chưa đạt. Bác sĩ ở bệnh viện công chưa được hưởng chế độ đạt chuẩn quốc tế, nên họ phải “chân trong, chân ngoài”; máy móc đầu tư thiếu đồng bộ, thậm chí máy cũ. “Bác sĩ thiếu tập trung về tư duy làm việc, sao nhãng về chuyên môn, nên ảnh hưởng tới chất lượng chữa bệnh. Từ đó, ảnh hưởng đến thái độ chăm sóc bệnh nhân, không theo đúng “lương y như từ mẫu”, ông Đệ nói. Vì thế, muốn giữ chân bệnh nhân ở lại, các bệnh viện tư, quốc tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, theo ông Đệ, nhà nước cần có chính sách dứt điểm, rõ ràng, ưu tiên đầu tư một số trung tâm chuyên sâu cả về máy móc và đội ngũ bác sĩ. Với tư nhân, nếu nhà đầu tư có tiềm lực nhà nước nên ủng hộ, không phân biệt công - tư. “Một vài nhà đầu tư ngoài công lập có điều kiện về vốn, có điều kiện tổ chức đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi, máy móc hiện đại để thỏa mãn nhu cầu của người dân thì họ sẽ ở lại”, ông Đệ nói. Quan trọng hơn, theo ông Đệ, phải tạo được môi trường cạnh tranh cho bệnh viện tư với bệnh viện công, chỉ khi có cạnh tranh bình đẳng mới phát triển.
Một giáo sư từng làm ở bệnh viện công, nay đã ra hoạt động tư cho rằng, để thu hút người bệnh tới các bệnh viện quốc tế trong nước thay vì ra nước ngoài khám chữa bệnh, cách duy nhất là phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Đồng thời, nhà nước cũng cần “cởi trói” cho bệnh nhân khám chữa bệnh bằng bảo hiểm, dù ở đâu cũng đều được tính bảo hiểm; có cơ chế cho phép bác sĩ của bệnh viện công có thể làm bán thời gian ở bệnh viện tư. Bên cạnh đó, về chính sách cũng cần có thêm những định hướng để tạo một “sân chơi” bình đẳng hơn, để dù công hay tư đều phải chuyển mình để đáp ứng mong muốn của người dân.
Theo TS Nguyễn Hoài Nam, đầu tư dàn trải khiến nhiều bệnh viện đang trong tình trạng lỗ. Do đó, cần củng cố lại những bệnh viện đang có, không để tình trạng “trăm hoa đua nở” như vừa qua. Thái độ của bác sĩ, y tá cũng là vấn đề được các chuyên gia lưu ý với các bệnh viện, chỉ khi người dân thỏa mãn với dịch vụ mình được hưởng mới sẵn sàng ở lại trong nước.
Giữa năm 2013, cả nước Anh rúng động trước vụ bê bối liên quan đến sự tắc trách của Bệnh viện Stafford. Theo kết luận của cơ quan điều tra, sự chăm sóc cẩu thả của đội ngũ nhân viên bệnh viện là nguyên nhân dẫn tới gần 300 bệnh nhân tử vong giai đoạn 2005 đến 2009. Sau sự kiện này, Bệnh viện Stafford phải đổi tên thành Bệnh viện County.