Xếp hàng từ nửa đêm
Đầu năm nay, bộ truyện Chú thuật hồi chiến chính thức phát hành ở Việt Nam. Với con số xuất bản 10.000 bản/tập, những cuốn truyện này được tín đồ manga Việt săn lùng gắt gao. Từ tờ mờ sáng, thậm chí từ nửa đêm, hàng dài các bạn trẻ chờ đợi trước cửa nhà sách cho thấy sức hấp dẫn của ấn phẩm này. Dù Chú thuật hồi chiến tập 1 được thông báo phát hành vào giờ hành chính nhưng nhiều người hâm mộ đến trước nhiều giờ, đứng “chốt” tại các nhà sách và trung tâm thương mại. Có người còn ăn, nghỉ quanh khu vực từ tối hôm trước để mua truyện sớm nhất.
Với nội dung hấp dẫn, Chú thuật hồi chiến chinh phục được đối tượng độc giả trẻ ở cả lĩnh vực điện ảnh. Phiên bản điện ảnh có nội dung được xem là phần tiền truyện của những nhân vật trong phim, hướng tới đối tượng thanh thiếu niên mê bộ truyện manga này kể từ khi xuất bản tại Nhật năm 2018. Chú thuật hồi chiến tiếp tục ăn khách sau khi loạt phim hoạt hình cùng tên đã rất thành công. Bản điện ảnh giúp bất kỳ ai cũng có thể đến rạp thưởng thức mà không phụ thuộc vào việc có từng đọc truyện hay từng xem phiên bản hoạt hình trước đây. Nội dung “tiền truyện” cung cấp thông tin cần thiết cho các khán giả mới, đồng thời đủ sức hấp dẫn đối với những người hâm mộ khó tính với hình ảnh chi tiết và ấn tượng. Sự thành công của phiên bản điện ảnh là tiền đề để truyện tranh Chú thuật hồi chiến thừa thắng xông lên.
Không chỉ dừng lại ở nội dung, những phần quà tặng kèm càng khiến cho các bộ truyện tranh thêm giá trị, trở thành sản phẩm được giới trẻ sưu tầm, săn lùng. Những phần quà như lịch treo tường, thẻ bo góc, kẹp sách, hình dán... thậm chí còn được trao đổi, mua đi bán lại với giá cao hơn tại nhà sách rất nhiều. Trên một sàn thương mại điện tử, bộ lịch One Piece 2022 luôn nằm trong top bán chạy của danh mục lịch, với gần 1.000 bộ được bán ra chỉ tính riêng trong tháng 8/2022.
Hay như bộ truyện về bóng đá Việt có tên Sơn, Goal! của tác giả Baba Tamio, nhân dịp ra mắt bạn đọc đã đính kèm rất nhiều vật phẩm và quà tặng độc quyền dành cho độc giả tại Việt Nam: Sách tặng kèm, bìa truyện, postcard độc quyền và postcard khổ vuông cho bản in đầu tiên. Tất cả những phụ kiện đi kèm đều được sản xuất giới hạn, càng kích thích nhu cầu sưu tầm, sở hữu của độc giả.
Bạn Đoàn Liên (TP.HCM) khoe gia tài là bộ sưu tập của hàng trăm phụ kiện truyện tranh được nâng niu chật kín một chiếc tủ. “Sưu tầm truyện tranh cũng giống các thú sưu tầm khác như tem thư hay tiền xưa thôi. Chủ yếu là do mình thấy thích các hình ảnh, nét vẽ trong truyện hoặc từ trong chính nội dung câu chuyện dẫn đến yêu thích nhân vật và muốn lưu giữ sưu tầm các vật phẩm từ họ”, Đoàn Liên chia sẻ về niềm đam mê này.
Độc giả xếp hàng chờ ra mắt những cuốn manga hút khách |
Dành ra khoảng 600 ngàn đồng/ tháng, đó là số tiền mà Nguyễn My- một độc giả trẻ- bỏ ra để mua các ấn phẩm truyện tranh và phụ kiện đi kèm. My cho biết thường mua truyện trực tiếp tại nhà sách, nhưng cũng có những lúc nhà sách cháy hàng, phải tìm mua hoặc trao đổi lại trên các hội nhóm.
Chờ sức bật của truyện tranh Việt Nam
Không nằm ngoài xu hướng phát triển, đổi mới của truyện tranh nói chung, các ấn phẩm truyện Việt Nam cũng có sức hút không nhỏ với bạn đọc trong nước. Sau gần 20 năm từ ngày tập truyện đầu tiên của Thần Đồng Đất Việt lên kệ, không nhiều bộ truyện Việt Nam có thể tạo sức hút lớn. Trong khi đó, bạn đọc có vô vàn sự lựa chọn với truyện tranh nước ngoài, toàn những huyền thoại như Doraemon, Thám tử lừng danh Conan, One Piece, Bảy viên ngọc rồng...
Thế nhưng độc giả Việt Nam hiện nay có thể tự hào với những sản phẩm do người Việt và cho người Việt. Ngay khi ra mắt vào năm 2016, Lớp học Mật ngữ - một đặc san của Hoa Học Trò (báo Tiền Phong) về 12 cung hoàng đạo đã liên tục chễm chệ ở vị trí best-seller của các hệ thống nhà sách, trở thành “tuổi thơ mới” của thế hệ học trò nhỏ và được các bậc phụ huynh ưu tiên lựa chọn. Việc xây dựng hình ảnh, cá tính từng nhân vật rất độc đáo, rõ nét, dựa theo đặc điểm các cung Hoàng đạo khiến cho mỗi thành viên của lớp Hoàng Đạo có những nét đáng yêu và thú vị riêng. Nhiều tập truyện đính kèm những trang tô màu để các bạn nhỏ có thể tự do sáng tạo.
“Lớp học Mật ngữ” là bộ truyện tranh Việt Nam triệu bản đầu tiên, là đặc san của Hoa học trò (báo Tiền Phong) do nhóm tác giả B.R.O Group thực hiện |
Bộ sưu tập phụ kiện của một độc giả tại TPHCM |
Với nội dung xoay quanh đời sống học đường, tình bạn giữa các thành viên trong lớp học, Lớp Học Mật Ngữ mang đến những bài học giáo dục, định hướng phát triển tính cách giá trị mà nhẹ nhàng, gần gũi cho các bé thiếu niên, nhi đồng. Quà tặng kèm của bộ truyện này là thẻ kẹp sách, đồ dùng học tập, huy hiệu in hình các nhân vật. Anh Hoàng Anh Tuấn, Trưởng nhóm B.R.O - nhóm tác giả Lớp học Mật ngữ- cho rằng tiềm năng phát triển truyện tranh Việt rất lớn, chỉ tiếc chưa có nhiều đầu sách được xuất bản.
Có thể thấy, truyện tranh Việt Nam đã tiến những bước dài trong hành trình chinh phục độc giả. Nếu trước đây mảng sáng tác truyện tranh ở Việt Nam gần như bị bỏ ngỏ thì những năm gần đây đã xuất hiện một thế hệ tác giả trẻ sáng tác truyện tranh và tạo thành hiện tượng. Nhà văn Lê Quang Trạng - tác giả vừa có tên trong Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần VII- nhận định, truyện tranh Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nếu có sự cải thiện về nội dung. “Dưới góc nhìn của một người viết truyện, tôi cho rằng truyện tranh Việt hiện nay phần nhiều xoay quanh cuộc sống, sở thích của những người trẻ. Truyện tranh Việt nên có sự đa dạng hơn về đề tài để thu hút bạn đọc nhiều lứa tuổi. Ở mảng thiếu nhi, truyện Nguyễn Nhật Ánh có nội dung gần gũi, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Nhìn ra truyện tranh nước ngoài, những bộ như Doraemon dù nội dung rất đơn giản nhưng có chiều sâu, cả người trẻ, người có tuổi đều yêu thích…”, nhà văn Lê Quang Trạng nói.
Phân tích thêm dưới góc độ tiếp cận người đọc, nhà thơ Lữ Mai nêu: “Ngoài nền tảng kiến thức, hiểu biết, các tác giả cần đi sâu vào sự cảm nhận về đời sống ở góc độ tâm lý, tinh thần để mỗi tác phẩm khi tiếp cận độc giả, dù họ là ai, độ tuổi nào cũng sẽ thấy một phần mình ở đó. Bên cạnh đó, bản sắc vùng miền, dân tộc cũng là yếu tố quan trọng dù câu chuyện hội nhập có sâu rộng đến mức nào”.
Giá trị của truyện tranh không chỉ gói gọn trong nhu cầu giải trí, mà tính giáo dục cũng rất cao. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phân tích: “Những bộ truyện tranh Việt có tính giáo dục cao sẽ dẫn dắt bọn trẻ bằng con đường đầy tự nhiên và phù hợp với tâm sinh lí của trẻ”. Gần đây, một số tác phẩm truyện tranh của tác giả Việt Nam như Chang hoang dã đạt giải thưởng cao ở Giải thưởng Sách quốc gia, xuất khẩu ra thế giới.