Lý giải nguyên nhân công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày chưa như kỳ vọng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may – da giày chưa bền vững… là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực dệt may và da giày này chưa như kỳ vọng.

Ngày 25/10, trao đổi với PV Tiền Phong tại Triển lãm quốc tế lần thứ 21 về máy móc thiết bị công nghiệp ngành Dệt may (VTG) năm 2023 tổ chức ở TPHCM, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may, Thêu đan TPHCM cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may đã bắt đầu ấm dần lên, hồi phục khoảng 80% so với trước đây.

“Mặc dù thị trường xuất khẩu chưa đạt mục tiêu như những năm trước, nhưng đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất và hoàn thành các đơn hàng cho những tháng cuối năm” – ông Việt nói.

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, theo Phó Chủ tịch Hội dệt may, Thêu đan TPHCM, để sản phẩm dệt may được người tiêu dùng đón nhận, có tính cạnh tranh hơn, các doanh nghiệp trong nước cần chú ý hơn đến những phụ kiện như dây khóa kéo, khuy áo, nút áo…

Theo ông Việt, hiện đa số các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may nêu trên chủ yếu được nhập từ nước ngoài. Ngay cả các máy móc công nghệ hỗ trợ, các loại nút áo cũng phải nhập khẩu vì sản phẩm trong nước chưa đáp ứng được các yêu cầu. Cùng với đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trong nước sau nhiều năm hiện chưa có đầu ra ổn định nên doanh nghiệp vẫn chưa mạnh tay đầu tư. “Chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc nhận diện công nghiệp hỗ trợ tạo ra giá trị gia tăng” – ông Việt nói.

Theo ông Việt, TPHCM có lợi thế là từ Nghị quyết 98 sẽ triển khai lại chương trình vốn kích cầu đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ và mở ra rất nhiều hướng cho doanh nghiệp có thêm vốn hỗ trợ để đầu tư, mở rộng sản xuất.

“Chúng tôi cũng trông chờ TPHCM sớm triển khai Trung tâm thời trang. Đây chính là cơ hội thúc đẩy cho toàn ngành, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển” – ông Việt chia sẻ.

Lý giải nguyên nhân công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày chưa như kỳ vọng ảnh 1

Theo các doanh nghiệp, cần hình thành các trung tâm chuyên ngành nhằm thúc đẩy cho toàn ngành, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển. Ảnh: Uyên Phương

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hội da giày TPHCM cho biết, công nghiệp hỗ trợ ngành da giày đã được đề cập rất nhiều năm nhưng chưa đạt được sự mong mỏi của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sản xuất… và cần có thêm một lộ trình dài hơi.

Nhiều chuyên gia nhận định, ngành da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.

Tuy nhiên hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành da giày vẫn phải nhập khẩu. Đáng chú ý, nguyên phụ liệu da giày chỉ mới tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

Trong báo cáo mới đây về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù là ngành xuất khẩu hàng năm mang về kim ngạch trên 40 tỷ USD, nhưng ngành dệt may đang chịu sức ép rất lớn từ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các quốc gia có nguồn nhân công và nguyên phụ liệu giá rẻ như Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ…

Theo đánh giá, dù ngành dệt may đạt được những con số xuất khẩu ấn tượng, mỗi năm một kỷ lục mới nhưng thực chất khi chưa có một ngành sản xuất đúng nghĩa, chưa sản xuất theo chuỗi với sự phát triển mạnh của công nghiệp hỗ trợ. Chỉ khi có sản xuất nội địa mạnh từ những khâu đầu tiên trong chuỗi thì giá trị gia tăng của một sản phẩm dệt may mới lớn và thực sự đóng góp cho sự phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế Việt Nam.

Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, một số doanh nghiệp ngành dệt may cho thấy, hiện doanh nghiệp đang phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu, trong đó, phần lớn là nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Ngành dệt may cả nước nói chung nói riêng đều vướng phải tình trạng xuất sợi và nhập lại vải do khâu dệt, nhuộm của chúng ta còn yếu, buộc phải nhập lượng lớn nguyên liệu vải để sản xuất.

Cùng đó, ngành dệt may vẫn đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, giá trị gia tăng thấp, chưa chủ động trong sản xuất. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may cần được ưu tiên, sớm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia đầu tư công nghệ, vốn thúc đẩy hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành này.

Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2023 - 2025, dự báo kinh tế thế giới vẫn còn có nhiều bất ổn, ngành dệt may cần có hướng đi mới, giảm phụ thuộc vào thị trường quốc tế, tự chủ nguồn cung nguyên phụ liệu, chuyển dần trọng tâm sang khai thác thị trường nội địa.

Trong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Bộ Công Thương đề ra một số giải pháp về đổi mới công nghệ, nhất là với dệt, nhuộm hoàn tất nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, lấp dần nguồn cung thiếu hụt.

Để đáp ứng phần nào về nguồn nguyên phụ liệu, ngành dệt may đang phối hợp với Bộ Công Thương cho biết, sẽ xây dựng một số khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải, bảo vệ môi trường đảm bảo tiêu chuẩn “xanh hóa” ngành dệt may.Cụ thể, sẽ phát triển một số tổ hợp chuyên ngành tại 3 miền Bắc, Trung, Nam (kết hợp với ngành dệt May) và cụm công nghiệp chuyên ngành có vị trí thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp thành mạng lưới chuỗi cung ứng từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất nguyên, phụ liệu, sản xuất và phân phối sản phẩm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Trong khuôn khổ triển lãm VTG, các doanh nghiệp còn được trao đổi, tìm kiếm đối tác, khách hàng tại triển lãm về nguyên, phụ liệu ngành dệt và may; triển lãm ngành nhuộm và hóa chất (DYECHEM 2023); triển lãm ngành công nghiệp da giày và nguyên phụ liệu... Đồng thời, nhiều chuyên gia sẽ cung cấp giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp dệt may chuyển đổi xanh – phát triển bền vững trong xu thế hội nhập, xu thế bền vững và chuyển đổi số ngành dệt may... Chương trình kéo dài đến ngày 28/10.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.