Lý do Trung Quốc vắng mặt trong cuộc họp kiềm chế hạt nhân Triều Tiên

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh minh hoạ
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh minh hoạ
TPO - Bộ trưởng ngoại giao của 20 quốc gia dự kiến tham gia cuộc họp tại Canada vào thứ Ba (16/1) để thảo luận về biện pháp kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, Trung Quốc, được xem là nhân tố chủ chốt trong giải pháp dài hạn, sẽ vắng mặt.

Cuộc họp dự kiến diễn ra tại thành phố Vancouver vào thứ Ba tuần này, do Canada và Mỹ đồng chủ trì, đến giữa những dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã giảm bớt, ít nhất trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, Washington và những quốc gia khác lại cho rằng, cộng đồng quốc tế phải xem xét mở rộng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Brian Hook, giám đốc bộ phận hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh, chiến dịch gây áp lực cao nhất vào Bình Nhưỡng đang cho thấy hiệu quả, điều đó thể hiện ở những động thái hoà hoãn gần đây của chính quyền Kim Jong-un.

Tuy nhiên, từ những phát ngôn gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không có dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi từ Mỹ, cũng như thương lượng về chương trình vũ khí mà ông cho là quan trọng với sự sống còn của đất nước, theo Reuters.

Một thách thức khác nữa là sự vắng mặt của Trung Quốc trong cuộc họp ở Vancouver. Như nhiều nước đánh giá, Trung Quốc có ảnh hưởng đáng kể ở Triều Tiên, được biết đến như đối tác thương mại chính của quốc gia bị cô lập này.

Bắc Kinh lên án cuộc họp, cho rằng, đây chỉ là cuộc tập hợp của các quốc gia đưa quân vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

“Việc tổ chức cuộc họp này không bao gồm các bên quan trọng đối với vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, thực sự không thể giúp giải quyết được vấn đề này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố.

Giới phân tích nhận định, sự vắng mặt của Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của cuộc họp. “Nếu không có Trung Quốc, có một giới hạn thực sự về những gì có thể đạt được”, một nhà ngoại giao giấu tên cho biết.

Trong khi đó, Triệu Tông, một chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, bình luận, đối với Mỹ, sự vắng mặt của Trung Quốc (và Nga) không hẳn là xấu, bởi Washington không muốn cuộc họp bị mất tập trung do đề nghị ngừng tập trận quân sự Mỹ-Hàn của hai quốc gia này.

Theo ông Hook, dù không tham gia, Trung Quốc và Nga sẽ được thông báo đầy đủ về kết quả cuộc họp tìm cách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG