“Một trong những bí mật đằng sau những chiến thắng của Cách mạng Triều Tiên trong hoàn cảnh khó khăn là chúng tôi đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của khoa học và công nghệ. Chúng tôi sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào ngay cả khi kẻ thù của chúng tôi áp đặt lệnh trừng phạt trong 10 hay 100 năm”, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un ngày thứ Sáu (12/1).
Lãnh đạo Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng có năng lực chống lại áp lực từ người ngoài là nhờ vào nền kinh tế quốc gia tự túc và những chuyên gia của đất nước làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và công nghệ.
Tuyên bố của ông Kim đến trong bối cảnh Triều Tiên đang bị áp loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt, trong đó gồm lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu sang nước này vào ngày 22/12/2017, do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) thông qua.
Động thái này nhằm kiềm chế các hoạt động thuộc chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, diễn ra với tần suất dày đặc chưa từng có trong năm 2017. Trong khi Bình Nhưỡng cho rằng, việc duy trì chương trình tên lửa và hạt nhân là cần thiết, để đối phó với mối đe doạ từ Mỹ.
Bất chấp các lên án, chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên, nhiều quốc gia trên thế giới phải thừa nhận các thành tựu “đáng kinh ngạc” của quốc gia bị cô lập này trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, đặc biệt khả năng tự chế tạo ra tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia (ICBM) có khả năng tấn công lục địa Mỹ (theo Bình Nhưỡng tuyên bố), trong điều kiện hạn chế do các lệnh cấm vận.