Lý do nhà đầu tư tranh mua cổ phiếu Vinaconex

Lợi thế về quỹ đất hàng triệu m2 của công ty mẹ Vinaconex và những dự án lớn của các đơn vị trực thuộc giúp cổ phiếu VCG hấp dẫn.

Một loạt nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá mua cổ phần của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (Mã CK: VCG) từ 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel).

Giá bán được kỳ vọng thấp nhất là 21.300 đồng mỗi cổ phiếu, cao hơn thị giá khoảng 3.000 đồng, song phiên đấu giá ngày 22/11 vẫn thu hút tới 6 nhà đầu tư tổ chức và cá nhân sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ để mua trọn lô cổ phần. 

Tiền thân là Công ty Dịch vụ và Xây dựng nước ngoài, Vinaconex được thành lập năm 1988 với ngành nghề chính là xây dựng tại các nước Đông Âu, sau đó lấn sân sang lĩnh vực xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, phải đến năm 1995, Vinaconex mới hoạt động đa ngành, trong đó lấy cốt lõi là thi công xây lắp và bất động sản, hạ tầng. Tổng công ty này không chỉ tham gia vào xây dựng, sửa chữa các công trình lớn mang tính biểu tượng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Mỹ Đình, Tràng Tiền Plaza... mà còn là chủ đầu tư của một loạt dự án khu đô thị mới đầu tiên tại thủ đô, điển hình là Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính - một trong những mô hình được coi là kiểu mẫu khi đó.

Không chỉ có giá trị về tuổi đời và thương hiệu, theo bản công bố thông tin mới nhất, Vinaconex còn đang sở hữu hoặc quản lý quỹ đất lớn với 3,2 triệu m2 ở nhiều tỉnh, thành.

Danh sách lô đất Vinaconex đang sở hữu hoặc quản lý
STT Tên dự án Diện tích (m2)
1 Toà nhà văn phòng tại Đà Nẵng 380
2 Trường trung học, tiểu học, mầm non Lý Thái Tổ, Hà Nội 24.000
3 Trường đào tạo công nhân xã Phú Cường, Sóc Sơn 8.500
4 Trường kỹ thuật Xây dựng Bỉm Sơn, Thanh Hoá 25.000
5 Trường trung cấp nghề kỹ thuật xây dựng và nghiệp vụ Vĩnh Phúc 40.000
6 Trụ sở làm việc tại E10 quận Thanh Xuân 500
ĐẤT THUÊ
7 Khu công nghệ cao 2 Hoà Lạc 2.700.000
8 Khu công nghệ cao 1 Thạch Thất 356.000
9 Trụ sở Tổng công ty tại 34 Láng Hạ, Hà Nội 2.700
10 Toà nhà văn phòng H2 Láng Hạ 2.000
11 Văn phòng 47 Điện Biên Phủ, Quận 1, TP HCM 456
12 Trung tâm thời trang Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính 3.467
13 2B Vinata Khuất Duy Tiến 4.000

Bên cạnh những dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng.  

Ngoài các lô đất thuộc sở hữu của công ty mẹ Vinaconex, 25 công ty con và 8 đơn vị liên doanh, liên kết của tổng công ty cũng sở hữu quỹ đất lớn. Trong số đó phải kể đến diện tích xấp xỉ 33.000 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội - nơi đang được triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn góp của Công ty cổ phần An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án này. 

Dự án này có tổng diện tích hơn 264 ha, trong đó giai đoạn một đã triển khai xây dựng gần 47 ha với các công trình 317 căn biệt thự, 236 căn liền kề và 496 căn hộ chung cư. Giai đoạn 2, công ty sẽ triển khai phần diện tích còn lại với hạ tầng gồm biệt thự, nhà liền kề, chung cư, hỗn hợp nhà cao tầng, trường học và công cộng.

Vinaconex cũng sở hữu 100% cổ phần tại Công ty Bohemia Hà Nội là chủ đầu tư dự án 25 Nguyễn Huy Tưởng đang được triển khai và dự kiến bàn giao cuối năm 2019.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của Vinaconex cũng đang đối mặt với không ít thách thức. Tại kết quả kinh doanh hợp nhất, hoạt động xây lắp, kinh doanh bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng từ 70-80% trong cơ cấu doanh thu song chỉ đóng góp khoảng 50% cho lợi nhuận của tổng công ty. Năm 2017, Vinaconex có khoản lợi nhuận đột biến, song diễn biến này là nhờ việc thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Viwasupco (762,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 40% so với cùng kỳ 2017 do sự sụt giảm về doanh thu. 

Công ty chứng khoán Bảo Việt nhận định, khi lựa chọn VCG, nhà đầu tư có thể đối mặt với những rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng thị trường thời gian tới có thể đi xuống khiến thanh khoản bất động sản gặp khó. Tiếp sau đó, khi thị trường bùng nổ trở lại cũng là khi tiềm ẩn những rủi ro đối với hiện tượng dư cung.

Ở góc độ nội tại, Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, vừa qua, với chiến lược tái cấu trúc để tập trung vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh các dự án bất động sản - phát triển hạ tầng, trong năm 2017, Vinaconex đã giảm tỷ lệ sở hữu tại một loạt doanh nghiệp như Vinaconex 2, Vinaconex 9, Vinaconex 12, và thoái vốn toàn bộ tại 4 công ty là Vinaconex 7, Vinata, VVF và Viwasupco. Tổng công ty cũng thoái vốn một phần tại công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh, thu tiền giảm vốn điều lệ tại Vinaconex Dung Quất.

"Việc thoái vốn những khoản đầu tư tại các công ty con và công ty liên kết này sẽ mang lại một khoản lợi nhuận cho Vinaconex hoặc làm giảm chi phí quản lý, nhân sự để tập trung vào hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, việc thoái vốn cũng mang lại rủi ro về dòng tiền trong tương lai của Vinaconex sẽ không có nguồn lợi ích từ một số công ty này mang lại", Chứng khoán Bảo Việt cho hay. 

Công ty cổ phần Chứng khoán MB cũng nhận định, hiện số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng nhanh tạo sự cạnh tranh lớn trên thị trường. Trong khi đó, theo đơn vị này, dù quy mô liên tục mở rộng, song Vinaconex đang đứng trước thách thức về xây dựng chiến lược kinh doanh và quản trị tiên tiến hơn. Bên cạnh đó, ở góc độ doanh nghiệp, Vinaconex phải đối mặt với áp lực nguồn vốn đầu tư các dự án liên tục tăng, biến động thị trường bất động sản được dự báo không khả quan thời gian tới. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.