Lý do Mali trở thành mục tiêu của bọn khủng bố

Cảnh sát hộ tống một con tin rời khỏi hiện trường vụ bắt cóc. Ảnh: Guardian.
Cảnh sát hộ tống một con tin rời khỏi hiện trường vụ bắt cóc. Ảnh: Guardian.
Bất ổn chính trị kéo dài, xung đột lợi ích giữa các nhóm sắc tộc kết hợp với sự can thiệp quân sự của Pháp khiến Mali trở thành mục tiêu của các tổ chức cực đoan.

Ngày 20/11, nhóm thánh chiến Al-Mourabitoun (có quan hệ với al Qaeda) đã xông vào khách sạn  Radisson Blu ở thủ đô Bamako, Mali bắt cóc 170 con tin. Lực lượng đặc nhiệm Mali, với sự trợ giúp của đặc nhiệm Mỹ và Pháp, đã đột kích để giải cứu các con tin.

Theo Guardian, khoảng 21 người đã thiệt mạng, bao gồm hai tay súng trong cuộc đấu súng giữa cảnh sát và những tên khủng bố. Vụ tấn công xảy ra chưa đầy một tuần sau vụ tấn công đẫm máu ở Paris khiến 130 người thiệt mạng. Vụ bắt cóc con tin một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ khủng bố trên toàn thế giới. Vì sao Mali lại trở thành mục tiêu của bọn khủng bố?

Lý do Mali trở thành mục tiêu của bọn khủng bố ảnh 1

Phiến quân Mali trên sa mạc Sahara. Ảnh: IRIN.

Bất ổn triền miên


Mali là một thuộc địa cũ của Pháp với đa số người theo đạo Hồi. Quốc gia này chính thức độc lập vào năm 1960, song thường xuyên chìm trong bất ổn với những cuộc nổi loạn chống chế độ độc tài quân sự.

Từ năm 1992, Mali tiến hành cuộc bầu cử dân chủ, tình hình kinh kế, xã hội đã những bước chuyển theo chiều hướng ổn định hơn. Tuy nhiên, đến tháng 1/2012, người thiểu số Tuareg ở phía bắc nổi dậy. Tộc người Tuareg thường xuyên gây ra những cuộc nổi loạn, điển hành là những lần họ chống chính phủ vào năm 1960, 1990 và 2000.

Chính quyền Tổng thống Amadou Toure đã thất bại trong việc đối phó với phong trào nổi dậy, dẫn đến cuộc đảo chính quân sự vào tháng 3. Tộc người Tuareg đã tận dụng khoảng trống quyền lực sau đảo chính để tuyên bố ly khai ở phía Bắc.

Theo CNN, lực lượng Hồi giáo cực đoan đã giúp sức cho tộc người Tuareg. Một trong số các nhóm cực đoan như thế là tổ chức Ansar Dine có liên kết với al Qaeda. Bên cạnh đó, tàn quân của quân đội Muammar Gadhafi thất thế ở Libya cũng đầu quân cho tộc người Tuareg.

Ngoài ra, những người Tuareg từng chiến đấu cho ông Gadhafi chạy khỏi Libya năm 2011, mang theolượng lớn trang thiết bị vũ khí và thiết lập căn cứ ở bang Azawad.

Lý do Mali trở thành mục tiêu của bọn khủng bố ảnh 2

Binh sĩ và xe thiết giáp quân đội Pháp tại một điểm dừng chân trong chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali. Ảnh: CCTV.

Pháp can thiệp


Theo yêu cầu của chính phủ Mali, Pháp đã triển khai chiến dịch quân sự lớn mang tên Serval từ tháng 1/2013 đến 7/2014. Khoảng 4.000 binh lính cùng nhiều khí tài hạng nặng kết hợp với máy bay chiến đấu tấn công dồn dập vào căn cứ quân nổi dậy. Lực lượng nổi dậy thua trận, nhưng một số lượng lớn tàn quân đã lẫn trốn vào trong dân cư trên các khu vực rộng lớn ở sa mạc.


Chính phủ Algeria đã làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Mali với phe nổi dậy nhằm ổn định tình hình đất nước. Tuy nhiên, những người Tuareg ngồi vào bàn đàm phán không thực sự đại diện cho lợi ích của phe nổi dậy.


Marie Rodet, giảng viên cao cấp về lịch sử châu Phi của Đại học SOAS ở Anh, lập luận: “Lực lượng nổi dậy bao gồm nhiều nhóm chiến đấu với mục đích khác nhau. Khi mục tiêu lớn thất bại, họ sẳn sàng thỏa hiệp để đảm bảo lợi ích cá nhân”.


Iyad Ag Ghaly, cựu thủ lĩnh phe nổi dậy và đang chỉ huy tổ chức khủng bố Ansar Dine, từng lên án thỏa thuận hòa bình với Pháp và những người ký tên vào thỏa thuận đó. Việc không đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan đã kích động sự thù hằn trong tàn quân của phe nổi dậy.


Lý do Mali trở thành mục tiêu của bọn khủng bố ảnh 3 Iyad Ag Ghaly, kẻ chỉ huy nhóm phiến quân Ansar Dine. Ảnh: Longwarjournal.
Khủng bố để trả thù


Rodet nói tàn quân nổi dậy đã khai thác tâm lý của những người bất mãn với thỏa thuận hòa bình để lẩn trốn trong thường dân và kích động chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. “Người Pháp đã cố gắng theo dõi các khu vực để ngăn chặn người Hồi giáo thực hiện các cuộc tấn công nổi dậy. Nhưng một số kẻ đã trốn thoát và đồng lõa với người địa phương”, Rodet nói.


Tàn quân nổi dậy liên kết với các tổ chức khủng bố tiến hành hàng loạt vụ tấn công liều chết ở Mali để trả thù. Công dân nước ngoài là một trong những mục tiêu mà chúng ưu tiên. Trong tháng 3, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn một quán bar ở thủ đô Bamako khiến 5 người - bao gồm công dân Pháp - thiệt mạng. Đến tháng 6, ba binh sĩ thiệt mạng trong vụ tấn công ở làng Mauritania.


Vào tháng 8, các tay súng tấn công khách sạn tại thành phố Sevare khiến 12 người thiệt mạng. Andrew Lebovich, nhà phân tích thuộc Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, nhận xét rằng những vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra ở Mali là hệ quả không thể tránh khỏi từ chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp.


Theo Longwarjournal, trong tháng 1, Iyad Ag Ghaly, thủ lĩnh của nhóm Ansar Dine, đã phát hành một đoạn ghi âm đe dọa tấn công nước Pháp. Ông ta cho rằng, Pháp là “kẻ ức hiếp” người dân Mali. Ghaly đã đề cập đến vụ xả súng ở tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo như là một lời cảnh tỉnh đối với sự can thiệp của Pháp.


Người ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng về sự liên hệ giữa chuỗi tấn công đẫm máu ở Paris và vụ bắt cóc con tin mới xảy ra ở Mali. Nhưng mục đích của các cuộc tấn công đều nhắm vào nước Pháp. Bất ổn chính trị kéo dài, sự phân hóa giữa các nhóm sắc tộc thân và chống đối phương Tây biến Mali trở thành địa điểm lý tưởng để nuôi dưỡng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.


Paul Melly, chuyên gia thuộc Viện Hoàng gia về Các vấn đề Quốc tế, Anh nhận định rằng các nhóm chiến binh là sự liên kết giữa những người nghèo, mất quyền bầu cử, có lòng trung thành và mộ đạo. Do đó, chuỗi bất ổn ở Mali sẽ tiếp tục kéo dài. Quốc gia này sẽ còn phải hứng chịu nhiều vụ tấn công khủng bố khác.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.