Lý do du lịch đường sông Cần Thơ nghèo nàn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chuyên gia cho rằng, điểm yếu hạ tầng làm giảm sức hút của du lịch đường sông Cần Thơ, cơ sở kinh doanh dịch vụ rời rạc, sản phẩm du lịch nghèo nàn, thương hồ bỏ chợ nổi lên bờ tìm sinh kế mới làm cho du lịch đường sông bị thu hẹp và giảm sức hấp dẫn.

Du lịch Cần Thơ thiếu hấp dẫn

Năm 2024, Cần Thơ đón 6,3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 6.226 tỷ đồng. Đặc biệt, du lịch đường sông được hầu hết du khách lựa chọn khi đến Cần Thơ (khoảng 70% khách chọn). Tuy nhiên, du lịch đường sông ở Cần Thơ còn nhiều hạn chế. Vì sao vậy?

Lý do du lịch đường sông Cần Thơ nghèo nàn ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hòa Hội.

Tại Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đường sông tại TP. Cần Thơ, diễn ra ngày 28/3, PGS, TS. Đào Ngọc Cảnh - Trưởng khoa Du lịch và quản trị khách sạn - nhà hàng, Đại học Nam Cần Thơ - chỉ ra, du lịch đường sông ở Cần Thơ còn nghèo nàn, các điểm du lịch và cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động rời rạc, chưa có sản phẩm du lịch nổi bật có tính đặc trưng riêng. Bên cạnh đó, tình trạng thương hồ bỏ chợ nổi lên bờ tìm sinh kế mới làm cho du lịch đường sông bị thu hẹp và giảm hấp dẫn.

Hiện, Cần Thơ chủ yếu khai thác du lịch trên tuyến sông Ninh Kiều - Cái Răng - Phong Điền (sông Cần Thơ). Hầu hết các công ty tổ chức tour đường sông đều chọn chợ nổi Cái Răng, sau đó đưa du khách tham quan, trải nghiệm tại các điểm lân cận.

Ông Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt - cho rằng, hệ thống sông, rạch của Cần Thơ dài, bao phủ tất cả các quận, huyện; có khả năng kết nối với các địa phương trong vùng ĐBSCL, TPHCM và Campuchia. Các tuyến đường thủy này thuận tiện để khai thác nhiều loại tàu du lịch khác nhau, trong đó tuyến đường thủy trên sông Hậu có thể đón được tàu chở 500 khách trở lên.

Tuy nhiên, theo ông Huê, du lịch đường sông ở Cần Thơ phát triển chậm do thiếu bến cảng cho các du thuyền lớn, bến lên xuống khách cho tàu du lịch, thiếu giao thông đường bộ kết nối.

Lý do du lịch đường sông Cần Thơ nghèo nàn ảnh 2

Người dân bán trái cây cho du khách tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội

Để khắc phục tình trạng trên, ông Phan Đình Huê cho rằng, cần phải có sự đổi mới về chính sách, tăng cường đầu tư hạ tầng, phương tiện, nhân lực, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng dịch vụ đường sông.

Đổi mới chính sách, hạ tầng

Ông Lưu Giang Đông - Viện Kinh tế - xã hội TP. Cần Thơ - cho biết, Đề án phát triển sản phẩm đặc thù TP. Cần Thơ tầm nhìn 2030 đã xác định rõ du lịch sông nước, du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện là sản phẩm chính cần được đầu tư. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu thị trường và phát triển tour làm cho sản phẩm du lịch đường sông chưa được định vị rõ nét.

Theo ông Đông, lý do thực trạng trên tới từ việc thiếu chính sách thu hút đầu tư vào du lịch đường sông, thiếu cơ chế hợp tác công - tư rõ ràng. “Việc thiếu một chiến lược tổng thể khiến doanh nghiệp tư nhân không thể dự đoán và lập kế hoạch đầu tư phù hợp. Các chính sách phát triển du lịch đường sông phần lớn do chính quyền đề xuất, chưa có sự tham vấn chặt chẽ từ các doanh nghiệp, dẫn đến khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn”, ông Đông nói.

Lý do du lịch đường sông Cần Thơ nghèo nàn ảnh 3

Khách quốc tế tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

Ông Đông cũng đề xuất chính quyền có chiến lược đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng du lịch đường sông, như bến tàu, cầu cảng đảm bảo an toàn và thuận tiện cho du khách, có kết nối đường bộ thuận lợi. Đồng thời, cần một chiến lược toàn diện để nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch đường sông trên tuyến từ quận Ninh Kiều đến Chợ nổi Cái Răng.

Bàn thêm về giải pháp, ông Tăng Tấn Lộc - Trường Đại học Tây Đô - cho rằng cần có những giải pháp cụ thể như lồng ghép yếu tố ngôn ngữ - văn hóa vào sản phẩm du lịch; bảo tồn không gian văn hóa sông nước. TP. Cần Thơ có thể học hỏi mô hình du lịch đường sông thành công trên thế giới để xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp, đảm bảo tính bền vững lâu dài.

MỚI - NÓNG
 Bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12
Bổ nhiệm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước khu vực 12
TPO - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 12 được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh. Trụ sở đặt tại Đồng Nai, ông Tạ Thành Long làm giám đốc.
Bình luận