Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chằng chịt kênh rạch, thương hồ (người buôn bán trên sông) sinh hoạt trên sông nước chủ yếu thắp sáng bằng bình ắc quy. Nhưng gần đây ngày càng có nhiều ghe, tàu lắp pin năng lượng mặt trời để tạo ra điện phục vụ sinh hoạt và nhu cầu văn hóa, giải trí.

Cuộc sống tốt hơn nhờ tấm pin mặt trời

Tờ mờ sáng, chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) nhộn nhịp với hàng trăm ghe, tàu hàng buôn bán đủ loại nông sản. Mỗi ghe có 2-3 bóng đèn làm sáng bừng cả khúc sông.

00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4

Thương hồ ĐBSCL tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng. Clip: Hòa Hội.

Ngồi trước mũi chiếc ghe khoai lang đậu giữa sông có lắp tấm pin mặt trời, ông Lâm Văn Phong (58 tuổi, quê ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh), cho biết trước đây vợ chồng ông sử dụng bình ắc quy để thắp sáng, nhưng từ năm 2020 đến nay ông chuyển sang sử dụng pin năng lượng mặt trời.

Chỉ vào tấm pin đặt trên mui ghe, ông Phong nói: “Nó có công suất 420W, mua cách đây 5 năm có giá 2,7 triệu đồng (pin và bộ sạc) tận dụng bình ắc quy và đèn có sẵn. Nhờ nó mà tôi có thể thắp sáng được 4 -5 bóng đèn khắp từ đầu đến cuối ghe”.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 1

Bà Trần Thúy Kiều chuẩn bị cơm cho gia đình tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Hòa Hội.

Bà Trần Thúy Kiều (53 tuổi) vợ ông Phong kể từ năm 2000 về trước, gia đình bà xài bình ắc quy, cứ 2 – 3 ngày hết điện phải sạc mất 60.000 đồng mỗi lần. Chưa kể bà phải sắm thêm đèn pin để thủ sẵn phòng hết điện để rọi tới lui trong ghe và rọi đèn cho khách mua hàng.

“Thời đó, đậu ở chợ nổi thì có ghe đến gom đem đi sạc, mình phải chờ họ mang bình về mới có điện xài. Có khi đi sang tỉnh khác lấy hàng, gặp lúc bình hết điện rất bất tiện”, bà Kiều chia sẻ.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 2

Ông Lâm Văn Phong ở chợ nổi Cái Răng bên ánh đèn được thắp sáng từ năng lượng mặt trời. Ảnh: Hòa Hội.

Không chỉ ở chợ nổi Cái Răng, ngược theo sông Hậu về thượng nguồn khoảng 60 km, ở chợ nổi Long Xuyên (An Giang) người ta cũng thấy nhiều thương hồ lắp pin năng lượng mặt trời trên mui để phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ghe của bà Nguyễn Thị Hạnh, 57 tuổi, là một trong số đó. Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 3, vừa quay về ghe sau khi bán xong mớ rau cải trên chiếc xuồng tam bản nhỏ, bà cắm ngay chiếc loa rao hàng vào ổ điện sạc cho đầy pin để hôm sau đi bán tiếp.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 3

Bà Nguyễn Thị Hạnh vừa đi bán rau cải về đến nhà tại chợ nổi Long Xuyên (An Giang). Ảnh: Hòa Hội.

Bà Hạnh chia sẻ: “Bây giờ bán buôn ế ẩm lắm, mỗi ngày kiếm được 100.000 - 200.000 đồng là mừng. Làm ngày nào ăn ngày đó chứ cũng chẳng dư dả gì. Nhờ chiếc loa này mà tôi rao hàng được, chứ giữa sông rao bằng miệng thì khan cả giọng”.

Nói xong, bà biểu diễn bằng cách ấn vào chiếc nút nhỏ trên loa để từ đó phát ra giọng rao hàng lanh lảnh của bà được thu sẵn. Trước đây, bà Hạnh dùng điện câu đuôi từ trên bờ kéo xuống ghe thắp sáng, đến năm 2020 chủ nhà cho bà kéo điện nằm trong diện giải tỏa thu hồi đất để xây dựng khu nhà ở thương mại. Không còn chỗ câu điện, từ đó bà chuyển sang dùng đèn năng lượng mặt trời.

Thật ra tấm pin năng lượng mặt trời giúp vợ chồng bà Hạnh rất nhiều. Ông Hồ Văn Dân, chồng bà Hạnh, ngồi bên cạnh tiếp lời: “Từ ngày có 2 tấm năng lượng, cuộc sống gia đình tôi thoải mái hơn, có điện nấu cơm, hát karaoke, xài quạt mà không sợ hết điện. Lúc trước không có, xài tiện tặn lắm. Chưa kể lúc không có tiền sạc bình, trời tối om, mò tới mò lui đêm hôm vất vả. Nhiều lúc ăn cơm tối, sử dụng đèn dầu leo lét, muỗi cắn đập không kịp”.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 4

PGS.TS Lê Anh Tuấn mô phỏng sơ đồ hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ảnh: Hòa Hội.

Khó khăn, bất cập

PGS, TS. Lê Anh Tuấn - Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ - cho biết, vùng ĐBSCL có hệ thống kênh rạch chằng chịt, người buôn bán trên sông rất nhiều. Gần đây nhiều ghe thương hồ lắp tấm pin năng lượng để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Trong ngày, họ có ít nhất 10 giờ tiếp xúc ánh nắng mặt trời, rất thuận tiện lấy điện từ pin năng lượng tích trữ vào bình ắc quy để thắp đèn chiếu sáng trong sinh hoạt.

PGS, TS. Lê Anh Tuấn nói: “Trước đây mỗi lần hết điện thương hồ phải mang bình ắc quy lên bờ sạc, tốn tiền bạc và công sức. Còn bây giờ họ lắp trên mui ghe, tàu để lấy điện dùng trực tiếp và dễ dàng, hiệu quả lâu dài rất tốt. Thậm chí hiện nay một số nông dân còn lắp pin năng lượng trên ghe để lấy điện chạy động cơ phục vụ khách trong các khu du lịch nhằm không gây tiếng ồn và tạo khói bụi ô nhiễm”.

Rõ ràng điện mặt trời đã giúp cuộc sống của nhiều thương hồ tại ĐBSCL thêm phần dễ chịu và thoải mái. Chưa kể nó còn giúp họ tránh được những sự cố không ngờ của việc sử dụng đèn dầu như trước đây. Ở chợ nổi Ngã Năm (Sóc Trăng) có lẽ không ít người dân biết câu chuyện gần 30 năm trước, khi đó có thương hồ ở đây tối ngủ vô ý làm đèn dầu ngã vào can xăng dự trữ trên ghe rồi bốc cháy. Lần tai nạn đó khiến 2 vợ chồng và đứa con tử vong.

Tuy nhiên sử dụng điện mặt trời cũng không khỏi có những khó khăn. Trước tiên là khoản tiền ban đầu để đầu tư vào pin mặt trời là khá lớn, khiến nhiều người đắn đo.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 5

Ông Hồ Văn Dân thử micro để hát karaoke. Ảnh: Hòa Hội.

Sở hữu 2 tấm pin năng lượng, tấm đầu mua vào năm 2020 và tấm sau mua năm 2022, mỗi tấm 170W trên mui ghe để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, ông Dân cho biết: “Tầm 10 năm trước tôi đã muốn mua, nhưng khi đó giá khoảng 10 triệu đồng/bộ mà thu nhập cả nhà chỉ tầm 6 -7 triệu/tháng nên không mua nỗi. Nhiều năm sau, khi tấm pin rẻ lại tôi mới vay tiền trả góp để mua hai tấm pin hơn 5 triệu đồng”.

Từ khi có pin mặt trời, ông Dân không còn cảnh xài điện câu đuôi kéo từ trên bờ xuống sông, mất trung bình 600.000 đồng/tháng. Rõ ràng gia đình ông đã bớt được khoản tiền này, nhưng nếu không may tấm pin bị hư hỏng thì ông không biết xoay sở tiền đâu mua lại để sử dụng vì hoàn cảnh hiện tại của gia đình ông rất khó khăn.

Rồi xài pin mặt trời chỉ thuận lợi vào mùa nắng, chứ vào mùa mưa khi số giờ chiếu sáng của mặt trời trong ngày ít đi thì thật bất cập. Ông Dân nói tiếp: “Trời mưa bão kéo dài 2 - 3 ngày liên tục, đốt đèn còn không cháy, nói gì đến điện mặt trời”.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 6

Chiếc ghe dùng làm nhà ở được ông Dân lắp pin năng lượng mặt trời. Ảnh: Hòa Hội.

Đâu là giải pháp?

Theo ông Trương Hữu Bảo, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Hoài Bảo, chuyên kinh doanh lĩnh vực đèn năng lượng mặt trời tại Hậu Giang, hiện nay chi phí lắp đặt pin năng lượng đã giảm nhiều so với trước. Cụ thể, đối với thương hồ lắp trên ghe, tàu tấm pin 150w khoảng 2,5 triệu đồng cho cả bộ gồm: tấm pin, bộ điều khiển sạc điện mặt trời (biến từ pin năng lượng mặt trời xuống bình), bình ắc quy và đèn. So với 5 năm trước, mức giá này đã giảm khoảng 50%. Nhưng ngay cả khi giá giảm đến mức như thế, không ít thương hồ ĐBSCL vẫn khó tiếp cận để sử dụng được vì hoàn cảnh khó khăn.

Điển hình như bà Nguyễn Thị Kim Chưởng, 63 tuổi, ở chợ nổi Cái Răng. Sống lênh đênh trên sông nước từ lúc nhỏ, nhưng bà chỉ một lần duy nhất biết đến năng lượng mặt trời nhờ có người hỗ trợ cho bà một bộ đèn để thắp sáng cách nay 8 năm. Nhưng sau 3 năm sử dụng, đèn xuống cấp rồi hư luôn. Từ đó bà quay lại xài điện câu đuôi từ trên bờ vì không có tiền sắm bộ đèn năng lượng mới.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 7

Bà Nguyễn Thị Kim Chưởng gắn bó với chợ nổi Cái Răng mấy chục năm nhưng vẫn chưa tự sắm nổi đèn năng lượng. Ảnh: Hòa Hội.

Đặt vấn đề với ông Bảo về biện pháp hỗ trợ, giảm giá pin mặt trời để các thương hồ dễ tiếp cận, ông chia sẻ hiện tại công ty của ông chưa có chính sách vì đối tượng khách hàng này quá ít.

Trong khi đó, ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Cái Răng cho biết, hiện nay thương hồ ở chợ nổi Cái Răng vẫn còn sử dụng điện câu đuôi kéo từ trên bờ xuống, điều này rất không an toàn. Ông nói: “Pin mặt trời thật sự có ích cho cuộc sống của những thương hồ sống trên sông nước. Nhưng hiện tại Nhà nước khó hỗ trợ họ lắp đặt vì luật ngân sách không cho phép”.

Thực tế là vào năm 2017 từng có một đơn vị tài trợ 100 bộ đèn năng lượng mặt trời cho thương hồ ở chợ nổi Cái Răng. Mỗi hộ dân được tặng một bộ gồm một bóng đèn, một tấm pin năng lượng mặt trời và bộ sạc, trị giá khoảng 1,5 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Tố Trinh, sống hơn 20 năm tại chợ nổi Cái Răng, một trong những người nhận được bộ đèn năng lượng cho biết: “Mỗi tối tôi chỉ thắp sáng đèn khoảng 3 - 4 giờ là hết điện. Hôm sau nắng lên, điện tích vào tấm pin rồi tối sử dụng tiếp. Cứ thế kéo dài khoảng 3 năm bị hỏng rồi nghỉ sử dụng luôn đến giờ”.

 Thương hồ tận dụng điện năng lượng mặt trời thắp sáng ảnh 8

Tấn pin năng lượng được vợ chồng ông Phong ở chợ nổi Cái Răng lắp trên mui ghe để tạo ra điện thắp sáng. Ảnh: Hòa Hội.

Theo ông Đặng Ngọc Nhẫn, giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh quận Cái Răng, các tấm pin năng lượng hỗ trợ cho bà con hồi năm 2017 phần lớn đã hư hỏng, một số người đã thay mới nhưng vẫn còn nhiều người không thể mua mới vì không có điều kiện. Hiện nay địa phương đang kêu gọi những đơn vị, tổ chức hoặc doanh nghiệp chung tay hỗ trợ pin năng lượng cho bà con có hoàn cảnh khó khăn giúp họ sử dụng điện an toàn hơn.

Cách nay 5 năm, một tổ chức đã hỗ trợ 50% chi phí lắp đặt pin năng lượng cho bà con trên Núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang) để có điện sinh hoạt vì điện lưới quốc gia không kéo được đến đây. Từ nguồn điện “trời cho” này mà nhiều người dân ở đây đã thoát nghèo, cuộc sống thay đổi tích cực. Mô hình này đáng để tham khảo.

Tin liên quan
Bình luận