Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình giao lưu văn hóa - thương mại Việt Nam - Nhật Bản, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2023).
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 3 trên tổng số 143 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến ngày 20/4 năm nay, Nhật Bản có gần 5.100 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 69 tỷ USD. Riêng với Cần Thơ, hiện có 6 dự án với tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản là 1,35 tỷ USD, dẫn đầu về số lượng vốn đăng ký đầu tư trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Văn Hồng phát biểu tại hội thảo. |
Trong 4 tháng đầu năm, Cần Thơ xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 40 triệu USD, với các mặt hàng bao gồm: Thủy sản, may mặc, nông sản, nông sản chế biến, thép và các sản phẩm từ thép, dược phẩm, hóa chất, lông vũ và một số mặt hàng vật tư nguyên liệu khác. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản ước đạt 9,8 triệu USD, với các mặt hàng nguyên liệu dược, vải và một số mặt hàng da, vật tư nguyên liệu, máy móc thiết bị.
“Sự kiện hôm nay nhằm tăng cường quan hệ, kết nối giao thương với các đối tác Nhật Bản cũng như phát huy hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, nhất là dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời, đây cũng là dịp để cập nhật, giới thiệu thông tin về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư, chính sách và định hướng thu hút đầu tư vào thành phố Cần Thơ” - ông Hồng cho biết.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ trao quà lưu niệm cho đại biểu Nhật Bản. |
Ông Nobuyuki Matsumoto - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM - cho biết, 5 tháng đầu năm nay, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ hai, sau Singapore có vốn đầu tư nước ngoài cao nhất tại Việt Nam.
Tại các địa phương của Việt Nam, hiện có 1.854 DN Nhật Bản đầu tư vào TPHCM; 339 DN đầu tư tại Bình Dương; 263 DN tại Đồng Nai; 143 DN tại Long An; 40 DN Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
"Riêng tại Cần Thơ có 6 DN Nhật Bản đầu tư” - ông Matsumoto cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Matsumoto, TPHCM và các khu vực lân cận giá đất và chi phí nhân công tăng cao nên đầu tư vào những khu vực này trở nên khó khăn. Vì vậy, các DN Nhật Bản sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến các khu vực nằm cách xa TPHCM hơn, trong đó có Cần Thơ.
“Tôi nghĩ, có nhiều DN quan tâm khu vực lân cận TPHCM, nhất là khi các tuyến cao tốc ở ĐBSCL sắp hoàn thành, thì Cần Thơ sẽ là một trong những lựa chọn” - Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM nói.
Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ogawa Megumi. |
Bà Ogawa Megumi - Phó Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM - cũng cho rằng, với sự hình thành các tuyến cao tốc trong tương lai, việc lưu thông hàng hóa từ ĐBSCL về TPHCM sẽ thuận lợi hơn. Do đó, Cần Thơ sẽ là địa điểm đầu tư hấp dẫn, nhất là khi quỹ đất trống dành để đầu tư tại TPHCM không còn nhiều.
Một trong những yếu tố thu hút DN Nhật Bản vào Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung là vùng này có nguồn nguyên liệu phong phú về nông, thủy sản. Hiện tại đã có một số DN Nhật Bản đầu tư vào Cần Thơ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Bà Ogawa Megumi kỳ vọng, các DN Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác với Cần Thơ để địa phương trở thành đầu tàu kéo sự phát triển kinh tế cho cả khu vực ĐBSCL.