Thanh Hóa xuất 1 tấn vải thiều không hạt đầu tiên đi Anh, Nhật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 16/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, 1 tấn vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng thử nghiệm tại huyện miền núi Ngọc Lặc, vừa được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá, đây là giống vải không hạt được Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn tạo, trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện miền núi Ngọc Lặc với diện tích khoảng 30 ha tại xã Nguyệt Ấn, theo quy trình GlobalGAP nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Thanh Hóa xuất 1 tấn vải thiều không hạt đầu tiên đi Anh, Nhật ảnh 1
Vải không hạt được trồng tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

Ông Nguyễn Văn Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm - cho biết, ngày 14/6, công ty vừa hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ quả vải không hạt sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không. Số quả vải vừa được xuất khẩu được công ty tuyển chọn kỹ theo các tiêu chí vỏ mỏng, căng mọng, không sâu đầu, ăn thơm, ngọt đậm, đưa vào dây chuyền xông hơi khử trùng, rồi đóng hộp xuất khẩu.

"Vải có thời gian thu hoạch một lần/năm đối với cây từ 4 năm tuổi trở lên. Năm 2023 là năm đầu tiên công ty thu hoạch vải để bán ra thị trường. Ước tính sản lượng thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán buôn tại vườn là 170.000 đồng/kg. Hiện nay vải không hạt của công ty đã có mặt tại nhiều thị trường lớn trong nước như: Hà Nội, TPHCM…" - ông Nguyễn Văn Huệ cho biết thêm.

Hiện nay, công ty đã ươm hơn 20.000 cây vải không hạt để ghép giống vải quý dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng trong những năm tới, cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm nông sản chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh đã đánh dấu mốc quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, khi cây ăn quả được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, mở ra cơ hội cho trong việc xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG