Luyện 'chuyên nhân'

TP - Cô giáo chủ nhiệm hồi cấp II của tôi từ 40 năm về trước vừa nhắn, rằng trường cũ sắp đập bỏ xây mới rồi. Thầy cô cũ mời một số cựu học sinh chúng tôi cùng về thăm lại trường xưa, để tranh thủ “níu giữ” kỷ niệm.

Vậy là dãy phòng xưa của những lứa lớp chuyên cấp II đầu tiên tỉnh Quảng Nam–Đà Nẵng sau 1975 sẽ không còn dấu tích. Cũng như dấu tích của những khối lớp chuyên cấp III đầu tiên của chúng tôi cũng đã bị xóa từ dăm bảy năm trước. Tất nhiên thành phố sau này đã có riêng ngôi trường chuyên với cơ sở vật chất đầy đủ, như mọi địa phương khác.

Là hồi ức chợt về, khi câu chuyện trường chuyên “giữ hay bỏ” lại đang gây tranh cãi, khi lại xuất hiện bảng điểm “toàn 10” của những ứng viên thi vào trường Ams Hà Nội.

Thống kê của Bộ Giáo dục, hiện cả nước cứ 100 học sinh THPT thì có 2 em học trường chuyên. Khắp 63 tỉnh, thành đều có trường chuyên, và hầu hết được đầu tư từ ngân sách. Về thành tích gần đây, cứ 10 huy chương Olympic quốc tế các loại, thì học trò chuyên chiếm khoảng hơn 3 cái một chút.

Còn tôi, 5 năm học chuyên, đã cho tôi những gì? Cho tôi cách nạp và nén năng lượng để đi đường xa chăng? Cho tôi được gặp gỡ, va chạm với những đứa bạn “quái chiêu”, những thầy cô “quái kiệt”, để nuôi dưỡng cho mình một cá tính chăng? Những đứa bạn tôi ngày ấy thay nhau giành những giải thưởng quốc tế đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Còn tôi, giờ hình dung lại, thấy nhiều thứ khá mờ nhòa, ngoài cảm xúc.

Sự mờ nhòa có lẽ cũng là câu chuyện thực tế với trường chuyên bây giờ, khi chúng ta vẫn chưa thể nhận rõ triết lý đào tạo của mô hình trường chuyên là gì. Trường chuyên, tất nhiên vẫn là nơi tập hợp “bọn” học giỏi, và những thầy cô giỏi, để cùng nhau mài móng vuốt làm “gà nòi” đi thi đấu, và còn gì nữa? Bây giờ những huy chương Olympic quốc tế đã “nhạt” dần hương vị. Thì thành tích ấy thực sự có tác dụng gì, đối với khoa học kỹ thuật, với nền tảng sáng tạo và phát triển của một đất nước thông qua những thành tựu cụ thể, ít ai trả lời được. Cũng như những thủ khoa, dù chỉ là một cú khích lệ ban đầu, nhưng vẫn được trọng vọng hơn mức cần thiết. Chúng ta luôn kiếm tìm thành tích, mà ít nuôi dưỡng để tạo ra được những thành tựu.    

Chúng ta chọn vào trường chuyên những điểm 10 tròn vo, đều tăm tắp trong bảng điểm. Như một lò luyện và bệ phóng để những “chuyên nhân” đua nhau kiếm những suất học bổng du học. Với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối. Đó là mục tiêu thiết thực và rõ ràng nhất với trường chuyên, và học sinh chuyên bây giờ? Trong khi vẫn chưa có ai thống kê tỷ lệ những “chuyên nhân” ấy trở về nước sau khi học xong. Và tỷ lệ thành công trong việc đóng góp vào sự phát triển của đất nước hiện nay.

Từ nhiều năm trước, Bộ Giáo dục từng đưa ra bộ công cụ trắc nghiệm để tuyển sinh vào trường chuyên với các chỉ số IQ (thông minh), EQ (cảm xúc), và cả AQ (Adversity Quotient) – chỉ số vượt khó, xoay chuyển nghịch cảnh để vươn lên mới được phát minh chừng mười năm trước. Nhưng những thước đo rất thiết thực ấy hầu như đã bị quên lãng, thay vào đó là những cột điểm 10 đều tăm tắp đến nhàm chán.

Trong khi AQ cũng là chỉ số hết sức cần kíp với đất nước học giỏi nhưng vẫn nghèo này.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.