Trọn nghĩa lương y
Bác sĩ - Lương y Phan Thành Nguyên (SN 1940), quê ở Châu Thành, An Giang. Trích ngang của ông mà mọi người biết đơn giản thế này: Lên 6 tuổi, ông theo một người thầy thuốc trong làng sang Thái Lan học văn hóa đồng thời học thêm về đông y.
Đến năm 18 tuổi, Phan Thành Nguyên về Việt Nam học Đại học y khoa Sài Gòn, sau này ông học tiếp chứng chỉ lương y đa khoa của Trung tâm đào tạo và nghiên cứu Y dược học cổ truyền dân tộc.
Năm 1961, ông xin vào làm cho một phòng khám nhân đạo ở An Giang, bắt đầu sự nghiệp từ thiện của mình. Lương y Phan Thành Nguyên bảo, ông biết khoảng 900 vị thuốc chữa bệnh nhưng chọn lọc lấy 150 vị để bào chế chữa các bệnh như: viêm gan, xơ gan, viêm xoang, gan máu nhiễm mỡ, thần kinh tọa, viêm đường tiết niệu, thoái hóa cột sống, gai cột sống, đĩa đệm, bệnh trĩ, huyết áp cao, tai biến, hành tá tràng, tiêu chảy, viêm loét dạ dày, sỏi thận, tiểu đường, thận ứ nước, rối loạn tim mạch… Những vị thuốc được ông dùng đa số được mua ở An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, một số loại thì ông tự lên rừng hái và sao chế.
Mỗi ngày lương y Phan Thành Nguyên làm việc từ sáng sớm đến tối mịt, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho cả trăm người, gần như ông không có thời gian nghỉ. Dù có thông báo chỉ khám bệnh từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật ông phải lên rừng hái thuốc, nhưng có bệnh nhân ở xa tìm đến, ông phải nán lại khám xong cho họ rồi mới đi. Vất vả, bận rộn nhưng ông chưa bao giờ từ chối, hay khám qua loa với một bệnh nhân nào.
Những ca đưa người bệnh vượt cửa tử
Một lần về quê chồng ở An Giang, bà Nguyễn Thị Tìa (1949, thôn 06, xã Cư Mlan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) kể cho ông Nguyên nghe trường hợp anh Nguyễn Thanh Nhất, ở gần nhà mình bị xơ gan đi chữa nhưng bệnh viện tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh đều trả về và nói gia đình chuẩn bị tâm lý trước.
Cả ngày anh nằm dưới nền nhà vì bụng trướng to, không đi lại, ăn uống được, sức khoẻ ngày càng yếu. Mọi chuyện trong nhà một mình vợ anh lo, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, gia đình vốn nghèo giờ lại càng khó khăn hơn.
Sau một thoáng suy nghĩ, ông nói bà Tìa dẫn lên gặp anh Nhất. Ngay ngày hôm đó, ông Nguyên, bà Tìa đón xe khách đi thăm người bệnh. Đây là lần đầu tiên ông đến Đắk Lắk nhưng vô tình lại gắn bó với mảnh đất ấy cho đến tận bây giờ.
Anh Nhất khỏe mạnh sau khi đã bị bệnh viện trả về
Anh Nhất kể lại: “Khoảng tháng 5/2009, các bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy khám và kết luận tôi bị xơ gan. Sau một tuần theo dõi, điều trị tôi bị trả về. Tôi nghĩ mình giờ chỉ nằm chờ chết thôi, chỉ buồn vì thương vợ và 3 con còn nhỏ.
Giữa tháng 7/2009 thì ông Nguyên đến. Sau khi khám, ông lấy mấy thang thuốc ra bảo, thang đầu tiên sẽ là thang quyết định tôi có qua được không, rồi tự tay ông đi sắc thuốc, nói tôi phải uống bằng hết chén thuốc đầu. Uống thuốc xong, 10 phút sau tôi bị nôn ra máu, máu cứ chảy ồng ộc không ngừng, toàn máu bầm đen.
Vợ con tôi khóc ầm lên, mọi người nhìn tôi thương xót nghĩ tôi không qua khỏi. Nhưng ông Nguyên lại thở phào, thoáng cười. Đến 10 giờ đêm, tôi uống tiếp chén thứ 3 trong thang thuốc đầu, bụng vẫn sôi nhưng tôi lại ngủ được.
Mấy ngày đầu, ông Nguyên túc trực bên tôi 24/24 giờ. Ông bắt mạch, kiểm tra tình hình và không ngừng động viên tôi cố gắng. Tôi tiếp tục uống thuốc, một tháng sau, vợ con tôi không phải túc trực bên cạnh nữa, tôi gần như đã bình phục.
Từ đó đến nay đã được 5 năm rồi, bây giờ tôi khỏe hẳn, đi làm về ăn không biết no nữa. Lúc bị bệnh, nhà tôi phải bán sạch tài sản để chữa trị. Khi chữa bệnh cho tôi ông Nguyên không lấy tiền. Giờ tôi coi ông ấy như cha mình vậy”.
Sau lần ấy, rất nhiều người đến tìm nhờ ông Nguyên chữa bệnh và cùng thống nhất “bắt” ông ở lại. Chị Hoàng Thị Diệu ở gần nhà anh Nhất bị suy thận, tóc rụng, chân sưng phù không đi lại được đã mất khá nhiều tiền đi bệnh viện nhưng không có kết quả. Nhờ uống thuốc thầy Nguyên mà chân hết sưng, đi lại bình thường, tóc cũng không còn rụng nữa.
Bác Trần Văn Cừ (thị trấn Ea Súp) bị đau lưng, đi khám nhiều nơi nhưng không khỏi, sau khi khám và uống thuốc thầy Nguyên đã hết đau. Bác Cừ nhận xét “Thầy Nguyên là người có tâm với dân nghèo, đến nhà thầy khám tôi không bao giờ phải lo chuyện tiền bạc”.
Tình cờ trong ngày chúng tôi đến phòng khám của lương y Phan Thành Nguyên thì gặp bệnh nhân Ngô Kim Đức (57 tuổi) ở Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội. Ông Đức bay vào Buôn Ma Thuột, đi taxi hơn 70 cây số vào nhờ thầy trị bệnh. Được biết ông Đức bị ung thư dạ dày, năm 1984 phải cắt bỏ 2/3 dạ dày đến năm 2011 thì cắt bỏ toàn bộ. Sau khi cắt bỏ dạ dày ông đã phải qua xạ trị 6 lần ở Bệnh viện K (Hà Nội).
Được ông Chiêu, bà Tìa giới thiệu nên ông Đức lặn lội vào đây khám và chữa. Sau khi khám, thầy Nguyên kết luận ông Đức bị thêm bệnh khớp. Mấy ngày sau tôi gọi điện thăm hỏi tình hình sức khỏe ông Đức, được biết ông đã khá hơn rất nhiều, mạch tốt, ăn uống đã cảm thấy ngon miệng.
Đồng hành cùng “thần y” trên núi
Vợ chồng ông Lư Văn Chiêu, bà Nguyễn Thị Tìa là chủ doanh nghiệp tư nhân chế biến lâm sản xã Cư Mlan, huyện Ea Súp, từng được ông Nguyên chữa khỏi bệnh.
Ông, bà cho biết: “Lúc ở An Giang nghe danh thầy Nguyên giỏi lại làm từ thiện đã lâu trong khi cả huyện Ea Súp không có một nhà thuốc Nam nào. Người dân ở đây nghèo, mắc bệnh không biết trông cậy vào đâu. Muốn giúp dân nên ông, bà mua đất mở phòng khám, nhập thuốc men rồi mời thầy về làm.
Từ ngày có thầy, bệnh nhân đến khám đông lắm. Một năm phòng khám nhập thuốc 3 lần, mỗi lần từ 10 đến 11 tấn dùng trong vòng ba đến bốn tháng là hết”. Ông, bà Chiêu, Tìa đã đầu tư cho phòng khám nhân đạo gần 2 tỷ đồng trong 5 năm qua để mua thuốc chữa bệnh cho người nghèo.
Những vị thuốc được lấy về phòng khám của lương y Phan Thành Nguyên
Bên cạnh “nhà tài trợ” không thể không nhắc đến người đồng hành, chị Bùi Thị Kim Quyên (SN 1981, tốt nghiệp Đại học Luật Huế). Bốn năm trước, thấy thầy Nguyên chữa khỏi bệnh cho dì và dượng của mình, khâm phục tài năng, y đức của thầy nên chị xin theo học đông y. Bỏ công việc ổn định, nhàn hạ ở thành phố vào nơi xa xôi, nghèo khổ nhưng chị Quyên rất vui với việc làm hiện tại.
Hằng ngày, chị là người dọn dẹp phòng khám, bốc thuốc, bào chế thuốc và lo hậu cần cơm nước. Cuối tuần, chị lại trèo rừng, lội suối cùng thầy đi hái thuốc.
“Để tiết kiệm chi phí, một số vị thuốc ở đây có, hai ngày cuối tuần tôi và thầy cùng một số người đi vào rừng hái thuốc đem về. Có những loại hiếm và khó như hoa thiên lý trinh, một trong những vị thuốc chữa viêm xoang, phải lấy vào đêm từ lúc 0 giờ cho đến 5 giờ sáng, mà loại này chỉ có vào tháng 2, tháng 3 nên phải lấy để dự trữ”. Chị Quyên kể.
Tận mắt chứng kiến ông khám, chữa, dặn dò, nhắc nhở từng người bệnh trong quá trình điều trị, chúng tôi hiểu và khâm phục hơn tấm lòng của người lương y. Rời xa mái ấm gia đình, đến nơi đất khách làm việc thiện ít ai biết vị bác sĩ đã 75 tuổi ngày ngày phải tự chăm sóc cho mình. Bữa cơm hằng ngày chủ yếu là rau, dưa nhưng ông luôn lạc quan, kiên cường vượt qua những khó khăn vất vả, hòa đồng cùng bà con miền núi.
Khi tôi hỏi vì sao ông gắn bó với nơi đây trong khi vợ và hai con hiện ở An Giang, ông cười hiền: “Người dân ở đây còn nghèo khổ, thiếu thốn quá, mắc bệnh mà không có tiền chữa trị nên tôi muốn ở lại giúp. Vợ con tôi luôn ủng hộ, động viên nên tôi rất yên tâm làm việc”.
Chủ tịch Hội đông y huyện Ea Súp, Trần Chính Hữu cho biết: “Lương y Nguyên đã nhận được rất nhiều bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Ban chấp hành Trung ương Đông y Việt Nam, Ban chấp hành Hội Đông y tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam… vì tinh thần làm việc cũng như những đóng góp của ông trong thời gian qua.
“Phòng khám nhân đạo” của ông đã khám, chữa bệnh cho gần 80 nghìn người, đa số là người nghèo. Khám, bốc thuốc không lấy tiền nhưng phòng khám hiện tại của ông có một thùng công đức để bệnh nhân ủng hộ tùy tâm. Số tiền ấy được dùng hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo hoặc để mua, trả công cho những người đi lấy thuốc.