Lực lượng trị an cơ sở là 'cánh tay nối dài' của công an xã

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

"Anh em rất vất vả"

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ nhất trí sự cần thiết ban hành luật. Ông Thuận cho biết, điều này xuất phát từ thực tiễn đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Dự án luật được xây dựng với đầy đủ cơ sở chính trị pháp lý và yêu cầu của thực tiễn.

Theo ông, thực tiễn, đảm bảo an ninh trật tự cơ sở đòi hỏi ngày càng nặng nề hơn, việc bố trí lực lượng này để hỗ trợ lực lượng công an thực hiện các nhiệm vụ liên quan sẽ mang lại những hiệu quả tích cực trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự.

Lực lượng trị an cơ sở là 'cánh tay nối dài' của công an xã ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Như Ý

Theo ông, thực tế ở địa phương hiện nay cho thấy, những vấn đề tranh chấp, khiếu kiện, các loại tội phạm, tình hình tai nạn, tệ nạn xã hội…diễn biến rất phức tạp.

“Lực lượng công an xã chính quy được bố trí đầy đủ nhưng anh em rất vất vả. Trong khi đó, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nắm được địa bàn, phong tục tập quán. Thế nên việc ban hành luật này rất cần thiết, trở thành cánh tay nối dài hỗ trợ, cùng với lực lượng công an xã chính quy thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở, trong đó công an là nòng cốt", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận phân tích.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) tán thành sự cần thiết ban hành luật. Trước diễn biến phức tạp tình hình an ninh trật tự cơ sở, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp, do đó các vụ việc vi phạm cần được phát hiện, xử lý kịp thời, từ sớm, từ xa.

Ông Đồng cho rằng, để đảm bảo công tác an ninh trật tự cơ sở đạt kết quả tốt, cần có đạo luật thống nhất quy định, để xây dựng, tổ chức, hoạt động tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.

Tuy nhiên, ông cũng đề nghị dự án luật cần quy định cho rõ những vấn đề liên quan đến biên chế, ngân sách. Đồng thời, ông cũng đề nghị tên luật nên sửa lại thành Luật Tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Lực lượng trị an cơ sở là 'cánh tay nối dài' của công an xã ảnh 2

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an tại phiên thảo luận ở Tổ, sáng 20/6. Ảnh Như Ý

"Lực lượng trị an cơ sở là rất quan trọng"

Tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh, vấn đề an ninh an toàn rất quan trọng với người dân và với cơ sở, làm sao để mọi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ.

Do vậy, lực lượng cấp xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng, làm sao để xây dựng cơ sở phường xã là những “pháo đài” về an ninh trật tự, nơi được bảo đảm an ninh an toàn nhất.

Theo Bộ trưởng, việc tăng cường công an chính quy về xã là một phần, không những đảm bảo an ninh an toàn mà phải vận động quần chúng nhân dân, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân ngay tại chỗ. Công việc ở địa phương vô cùng nhiều, trong khi mỗi xã có 5 - 6 công an xã thì không đủ. Nên lực lượng hỗ trợ cơ sở rất quan trọng, vai trò của nhân dân tham gia vào là quan trọng nhất.

Bộ trưởng cũng cho biết, bản chất công tác công an là công tác dân vận, với dân, với cơ sở điều đó càng rõ.

“Tôi thường nói anh em chính quy xuống xã là vận động, tập hợp lực lượng, đưa các phong trào thi đua yêu nước với các phong trào khác. Anh phải giải thích, tuyên truyền đường lối, chủ trương, pháp luật và hướng dẫn thực thi pháp luật. Đấy chính là phòng ngừa tội phạm. Lực lượng trị an cơ sở là rất quan trọng, cánh tay nối dài, là lực lượng làm dân vận, tuyên truyền”, ông Tô Lâm nói.

Về kinh phí ngân sách, Bộ trưởng khẳng định, tin tưởng không có gì trở ngại. Nhiều nơi nói muốn ổn định để phát triển, không ổn định thì không có thời gian đâu mà bàn dự án, phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng tôi không ngại vấn đề kinh phí, ngân sách khi người dân thấy được lợi ích sát sườn”, Bộ trưởng cho hay.

Theo ông, lực lượng công an xã trước đây ngân sách của tỉnh chi hết. Giờ trưởng công an xã đưa khỏi chức danh chính quyền thì Bộ Công an phải lo. Riêng khoản trả lương cho số này tỉnh giảm đi rất nhiều.

“Nhiều tỉnh nói sẽ bảo đảm được hết, thậm chí đầu tư cho công an chính quy nữa chứ không chỉ lực lượng trị an cơ sở, vừa rồi thấy trang bị cả xe máy, ô tô. Kinh phí này không phải gánh nặng rất lớn cho các địa phương”, Bộ trưởng cho hay.

Về vấn đề tên gọi, một số chính sách, tiêu chuẩn, hay tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền quyết định thành lập, Bộ trưởng cho biết, ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến này.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.