Như áp dụng “tình trạng khẩn cấp”
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tính toán, căn cứ vào hồ sơ dự án, nếu được thông qua, lực lượng bảo vệ trị an cơ sở sẽ có khoảng 1,5 triệu người hưởng ngân sách thường xuyên, giảm 500.000 người. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có 126.000 công an xã bán chuyên trách; 70.000 bảo vệ dân phố; 500.000 dân phòng.
Ba lực lượng trên hiện khoảng 696.000 người, trong đó chỉ công an xã bán chuyên trách và bảo vệ dân phố là lực lượng thường xuyên (196.000 người), còn 500.000 dân phòng hưởng trợ cấp khi thực sự làm việc hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ. Theo ông Bộ, nếu thông qua luật này, số lượng người tăng thêm để hưởng ngân sách hàng tháng của địa phương là 804.000, không phải giảm đi 500.000 người.
“Người dân không đến mức là ăn rồi chỉ vi phạm pháp luật mà chúng ta bố trí lực lượng lớn như thế này. Trong khi đó đất nước còn phải đầu tư cho phát triển, giáo dục đào tạo, an sinh xã hội”, ông Bộ cho hay.
Liên quan đến bộ máy, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, việc cơ cấu 1,5 triệu người tham gia lực lượng này có vẻ như đang áp dụng cho “tình trạng khẩn cấp” thời chiến, gấp nhiều lần quân thường trực, có cần thiết hay không? Khi số lực lượng công an bán chuyên trách được “hợp thức hóa”, ông lo ngại công an chính quy sẽ “lười biếng”, dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên và câu chuyện phình bộ máy.
“Đã phình ở cơ sở rồi nay lại tiếp tục phình. Chúng ta thấy phình cả động mạch, phình cả tĩnh mạch thế này thì tính sao? Mọi việc chúng ta dựa vào dân, bây giờ lại thực hiện lực lượng này thì tính sao?”, ông Nhưỡng đề nghị Quốc hội cân nhắc, nếu luật không phúc đáp được yêu cầu thực tiễn, dứt khoát không ban hành.
Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình với sự cần thiết ban hành luật.
“Chúng ta phải khẳng định, đây là lực lượng không chuyên trách, là lực lượng mang tính tự nguyện ở cấp thôn, xóm, tổ dân phố, bản, làng… Thực tế tôi cũng đã làm ở địa phương, chính lực lượng này là lực lượng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, làm nòng cốt ở địa bàn cơ sở, ở trong dân. Lực lượng này ở cùng dân, ăn cùng dân, sinh hoạt cùng dân và mọi vấn đề đều được giải quyết từ trong dân. Tôi thấy rằng, lực lượng này bám sát cũng khá tốt và nó là cánh tay nối dài của lực lượng công an xã”, bà Xuân nêu.
“Lực lượng công an quá đông”
Phát biểu ý kiến, Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đánh giá, khi lực lượng công an chính quy xuống xã, do không phải người địa phương nên không nắm bắt được địa bàn. Trong khi đó công an bán chính quy, sinh ra lớn lên ở địa bàn sẽ nắm kỹ địa bàn.
Tuy nhiên, do phụ cấp hiện rất thấp, nên động viên công an bán chuyên trách tham gia rất khó khăn. Khi công an chính quy xuống, ở Hà Nội đã có 25% lực lượng bán chính quy xin nghỉ. Theo ông Hải, nếu không có luật ra đời, sẽ khó khăn cho lực lượng này.
Trong khi đó, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Hà Giang), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 2 đặt câu hỏi: Liệu có cần thêm một lực lượng nữa không?
Theo ông, khi Luật Công an nhân dân có hiệu lực, lực lượng công an chính quy xuống thay thế, tự nhiên sứ mệnh của lực lượng bán chuyên trách hết.
“Xin lỗi bộ trưởng, bây giờ lực lượng công an quá đông. Bây giờ một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?”, Tướng Sùng Thìn Cò nói.
Theo đại biểu, cái tài của người chiến sỹ công an là phải xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật để nắm tình hình. “Nắm địch phải nắm từ trong trứng nước”.
Đại biểu so sánh, Trung Quốc lớn như thế nhưng họ chỉ có lực lượng vũ trang quân đội. Công an chỉ là lực lượng bán vũ trang. Vì thế lực lượng công an vẫn đào tạo chính quy, nhưng chỉ ban giám đốc, công an huyện mới được là chuyên trách. Còn lại chỉ là bán chuyên trách, làm việc theo hợp đồng, không làm được cho nghỉ. Và theo nhu cầu của huyện đó, cần bao nhiêu công an thì sử dụng bấy nhiêu. "Không phải như chúng ta, chỗ nào cũng cần".
Giải trình tiếp thu, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, đây là lực lượng có sẵn, kinh nghiệm các nước, lực lượng này cũng tham gia rất nhiều vụ việc như tự nguyện cấp cứu người bị thương, bị nạn trên đường. Bộ trưởng khẳng định, công an chưa từng từ chối, thoái thác nhiệm vụ cho lực lượng khác trong bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng lực lượng này không phải để công an lười đi hay trốn tránh trách nhiệm. “Luật ra đời không hạn chế sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khác tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Đại tướng Tô Lâm khẳng định.
Theo Bộ trưởng Công an, như lực lượng dân phòng, nếu bố trí theo đúng luật quy định, mỗi xóm, thôn có 10 người, con số đó rất lớn. Tổng cộng theo quy định của luật khoảng 2 triệu người, luật này giảm khoảng 500.000 người. “Thực tế lực lượng dân phòng mới thành lập khoảng 20% do còn khó khăn, chưa quyết liệt, chứ đây không phải con số tự nghĩ ra được”, Bộ trưởng cho hay.
Kết quả lấy phiếu thăm dò mới chỉ là bước đầu
Sáng 17/11, Quốc hội xin ý kiến đại biểu ba vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông Đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Kết quả, 302 (chiếm 62,79%) đại biểu không đồng ý tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông Đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng (tách thành hai luật); 321 (chiếm 66,74%) đại biểu không đồng ý với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.
Về thời điểm thông qua luật, 251 (chiếm 52,18%) đại biểu đồng tình chuyển cho Quốc hội khóa sau, tại kỳ họp thứ hai (dự kiến cuối năm 2021) xem xét.
Tương tự với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, kết quả thăm dò ý kiến cho thấy: 290 đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa cần thiết xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.
Chiều 17/11, trả lời câu hỏi liên quan đến các dự án luật trên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc lấy phiếu thăm dò này mới chỉ là bước đầu, chứ chưa phải bước thông qua dự án luật. Về “số phận” các dự án luật, tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra quyết định cuối.