Lực đẩy giảm nghèo từ hợp tác xã nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với việc chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ở Nghệ An đã góp phần tích cực vào việc sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giúp giảm nghèo bền vững.

Tại Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp xã Diễn Phong (huyện Diễn Châu, Nghệ An), những ngày này, hàng trăm hộ dân đang được cấp giống khoai tây (vàng, trắng) để chuẩn bị xuống giống, bước vào vụ mới.

Ông Võ Văn Hùng (trú xóm Đông Hồ, xã Diễn Phong) chia sẻ, vụ trước, gia đình trồng 6 sào khoai tây, cho năng suất trên 5 tấn. Vừa thu hoạch xong đã có doanh nghiệp đến thu mua với giá cao. Với 5 tấn khoai tây, ông thu được hơn 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng.

"Khoai tây có thời gian trồng ngắn. Sau khi thu hoạch có đơn vị bao tiêu ngay tại chỗ, thu nhập ổn định nên chúng tôi rất vui mừng. Cây khoai tây có thời gian sinh trưởng khoảng 80 - 90 ngày, dự kiến vụ này gia đình sẽ mở rộng thêm diện tích để thu nhập cao hơn”, ông Hùng nói.

Lực đẩy giảm nghèo từ hợp tác xã nông nghiệp ảnh 1

Khoai tây của người dân xã Diễn Phong được doanh nghiệp thu mua ngay tại ruộng

Ông Quế Văn Duyên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Diễn Phong (huyện Diễn Châu) cho biết, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng khoai tây, tập trung chủ yếu ở các xóm Hướng Dương, Đông Hồ…, với tổng diện tích khoảng 35 – 40ha.

“Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác trên địa bàn tỉnh đang rớt giá thì củ khoai tây lại được mùa, được giá. Nông sản làm ra có doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ ngay tại ruộng khiến bà con rất phấn khởi. Với mức thu nhập là hơn 30 triệu đồng/sào/hộ dân khiến nhiều hộ dân thoát nghèo, đời sống ngày được nâng cao”, ông Duyên cho hay.

Theo ông Duyên, đây là năm thứ 3 địa phương trồng cây khoai tây theo dự án ký kết. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An là đơn vị tổ chức, Viện Sinh học Nông nghiệp (thuộc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam) cung ứng giống, còn Công ty Orion Việt Nam bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Lực đẩy giảm nghèo từ hợp tác xã nông nghiệp ảnh 2

Nhờ bao tiêu sản phẩm ngay tại ruộng, nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, thoát nghèo

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết, toàn huyện có tới 160 ha được liên kết bao tiêu sản phẩm, diện tích trồng chủ yếu ở các xã Diễn Phong, Diễn Thịnh, Diễn Hùng, Diễn Trung, Diễn Hải… Sau khi tuyển lựa, khoai tây được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm với giá khoảng 7 triệu đồng/tấn.

“Khoai tây đang là cây trồng chủ lực mang lại kinh tế cao cho người dân ở địa phương. Bên cạnh đó, nhờ tạo sự liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp nên toàn bộ khoai tây được thu mua ổn định. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hiệu quả mô hình trồng khoai tây liên doanh trong vụ đông và đông xuân, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hiếu nói.

Đến nay, nhiều HTX trên địa bàn Nghệ An đã thực hiện có hiệu quả việc cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất..., tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động. Đây thực sự là nơi “đỡ đầu”, tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa an toàn và bền vững.

MỚI - NÓNG