Thoát nghèo từ củ nghệ vàng Chi Lăng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sinh sống trên miền núi xứ Lạng, chị Hoàng Hồng Nhung (SN 1994), trú thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã tìm tòi, học hỏi để đưa củ nghệ vàng ở quê hương trở thành sản phẩm hàng hóa và chính sản vật quê hương đã giúp chị và dân bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Là người thuần nông, chị Hoàng Hồng Nhung, dân tộc Tày thấu hiểu nỗi vất vả của những người dân địa phương trồng cây nghệ nhưng tại nhiều thời điểm, đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh.

Trong khi đó, nhu cầu chữa bệnh, làm đẹp từ sản phẩm thiên nhiên như củ nghệ thì ngày càng được ưa chuộng. Chị Nhung tâm sự: Gia đình chị có vài trăm m2 đất trồng củ nghệ. Trước đây, gia đình chị chung cảnh ngộ với làng xóm, sau những ngày vất vả vun trồng, chăm sóc, khi vận chuyển sản phẩm củ nghệ ra chợ thị thành để bán thì luôn bị thua lỗ vì bị tư thương ép giá không bán được. Đồng đất cũng vì thế bỏ hoang, nhìn rất xót xa, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói.

Thoát nghèo từ củ nghệ vàng Chi Lăng ảnh 1

Chị Hoàng Hồng Nhung là phụ nữ vươn lên, sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Lạng Sơn 2021 -Ảnh: Duy Chiến

“Tôi trăn trở nhiều đêm tìm hướng tiêu thụ cho sản phẩm riêng có của quê hương. Năm 2016, gia đình mạnh dạn thành lập hợp tác xã nông nghiệp Hồng Nhung, sau đó đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất gừng, nghệ sấy khô xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hà Lan. Bình quân mỗi năm, gia đình thu mua khoảng 600 – 800 tấn gừng, nghệ tươi của các gia đình trên địa bàn, sau chế biến xuất khẩu được khoảng 60 – 70 tấn sản phẩm khô. Năm nào cũng vậy, các chuyên gia người nước ngoài cũng đến thăm xưởng vài lần, kể cả trời mưa rét họ vẫn ra tận vườn nghệ của các hộ gia đình và kiểm tra quy trình sản xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm để xác định chất lượng của sản phẩm gừng, nghệ khô”. Chị Nhung kể lại.

Theo chị Nhung, để làm ra sản phẩm tinh bột nghệ thì người làm phải tâm huyết, không ngại khó. Có những đêm, vợ chồng chị thức đến hơn 12 giờ đêm làm xong một mẻ tinh bột, nhưng vẫn hỏng, phải đổ đi. Sau thời gian dài kiên trì, sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu chất lượng đã “ra lò” với tinh bột vàng mịn, đều màu, tròn. Khi khách hàng ngậm vào miệng, tinh bột nghệ thoảng mùi mật ong, ngọt dịu và tan đều.

Chị Nhung tiết lộ: Nghệ của Chi Lăng có màu vàng tươi, sáng trong, đẹp, nhiều chất dinh dưỡng. Kết hợp với mật ong rừng hoặc mật ong cây vải thiều sánh mịn, mùi thơm, không lẫn tạp chất thì viên nghệ mới vàng, đẹp, không bị nứt, vỡ

Thoát nghèo từ củ nghệ vàng Chi Lăng ảnh 2

Củ nghệ vàng ở miền núi Chi Lăng là sản vật quý, được người tiêu dùng ưa chuộng -Ảnh: Duy Chiến

Thoát nghèo từ củ nghệ vàng Chi Lăng ảnh 3

Củ nghệ vàng Chi Lăng được tiêu thụ nhiều, biến thành hàng hóa, giúp người dân địa phương giảm nghèo bền vững -Ảnh: Duy Chiến

Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Từ sản xuất hiệu quả, doanh thu của cơ sở đều tăng dần qua các năm: Năm 2017 đạt 600 triệu đồng, năm 2019 đạt 1 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, chị Nhung còn truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho người dân trên địa bàn xã, tạo việc làm cho 10 lao động trẻ địa phương có thu nhập ổn định từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời tạo mối liên kết, tiêu thụ nguồn sản phẩm nông sản nguyên liệu lớn cho hàng trăm hộ dân trong và ngoài xã, giúp người nông dân yên tâm sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Với những thành tích đã đạt được, Hoàng Hồng Nhung đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lạng Sơn lần thứ V giai đoạn 2020 – 2025. Mới đây, sản phẩm tinh bột nghệ Hồng Nhung đã được tôn vinh, UBND tỉnh trao tặng danh hiệu “Sản phẩm công- nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Lạng Sơn năm 2021”

“Chị Hoàng Hồng Nhung là gương điển hình sản xuất giỏi, vươn lên làm giàu, mang về lợi nhuận cho gia đình hơn 600 triệu đồng mỗi năm và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương”. Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Chi Lăng.

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.