Cô gái bỏ việc ngân hàng về quê nâng tầm củ nghệ

Lê Thị Thư đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp năm 2020
Lê Thị Thư đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp năm 2020
TP - Từ bỏ công việc ổn định tại thành phố, Lê Thị Thư (sinh năm 1991, xã Ea Pil, huyện M’đrắk, Đắk Lắk) trở về mảnh đất quê nghèo khó với mong muốn nâng giá trị củ nghệ bản địa và đã có những thành công bước đầu.

Quyết liều một phen

M’đrắk, nơi Thư sinh ra, có địa hình gập ghềnh, đất đai cằn cỗi, thời tiết khác biệt với những huyện trong tỉnh. Người dân quanh năm trồng mì, mía, cà phê…nhưng không mang lại kinh tế cao. Thư kể, từ bé, cô chứng kiến cuộc sống bố mẹ, người dân dầm mưa dãi nắng cũng chỉ đủ ăn. Thư nuôi ước mơ lớn thật nhanh, học thật giỏi để thoát khỏi quê hương.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán Trường Đại học Sài Gòn (năm 2013), Thư xin vào làm tại một ngân hàng ở TP HCM. Sau thời gian bám trụ tại đây, vô tình một tối trong căn phòng trọ, Thư đọc được bài các bạn trẻ chia sẻ “Một lá thư từ Phan Thiết” và “Lẽ nào khổ miết” (Tony buổi sáng). Thư quyết tâm thay đổi. “Với tôi, trăn trở nhất lúc đó là phải rời bỏ thành phố nhộn nhịp để trở về, nhưng phải làm được gì đó cho quê nghèo”, Thư nói.

Lê Thị Thư từ bỏ công việc ở ngân hàng tại TPHCM trở về quê, nơi cái nghèo từng ám ảnh cả tuổi thơ. Thư mở xưởng sản xuất các sản phẩm làm đẹp mang thương hiệu Epis, lấy nguyên liệu chủ yếu từ giống nghệ nếp dẻo bản địa. “Củ nghệ ngày xưa vốn nằm lăn lóc nơi góc nhà, dùng kho cá, nấu thịt, bôi ngoài da khi bị xây xước… giờ đây đã thành sản phẩm làm đẹp đến tay khách hàng trên mọi miền đất nước”, Thư kể.

Năm 2017, Thư chứng kiến củ nghệ được trồng ở quê rớt giá thảm hại, người dân không thèm thu hoạch. Lúc này, Thư quyết liều một phen. Thư nghĩ, nếu thử nghiệm thất bại, chi phí rủi ro cũng thấp. “Giống nghệ nếp nơi đây được người dân trồng từ hơn 100 năm trước. Họ trồng xen canh trong vườn cà phê, nhãn, sầu riêng. Giống nghệ bản địa cho ra tinh bột màu vàng chanh, mùi thơm nhẹ và có dược tính cao hơn các giống nghệ cao sản. Nghệ nếp năng suất không cao, thời gian thu hoạch lâu nhưng bà con vẫn trồng để bảo vệ nguồn giống quý”, Thư cho biết.

Thư lấy một số mẫu củ nghệ ở M’đrắk và các huyện Ea Kar, Krông Pắk gửi đi kiểm định so sánh chất lượng. Kết quả, nghệ nếp đỏ (M’đrắk) củ nhỏ, lượng tinh bột ít nhưng chất lượng cao hơn hẳn so với các loại nghệ khác.

Chậm nhưng chắc

Sản phẩm đầu tiên Thư hướng đến là tinh bột nghệ. Thư tự mình nghiên cứu, đi học nghề và sửa lại quy trình để tạo ra sản phẩm tinh bột nghệ hoàn hảo. Tuy vậy, sau khi bán hết cho những người trong khu vực, cô không biết làm sao để có thêm khách hàng.

Thời điểm đó nghệ tươi xuống giá nên mọi người đều làm tinh bột nghệ. Thư trăn trở mỗi ngày vì giống nghệ tốt và quý thế nhưng lại lãng phí. Cô phải tìm hướng đi khác và ý nghĩ lóe lên sau một lần Thư đi hiến máu về. Trên thị trường có nhiều sản phẩm được làm từ nghệ, sản phẩm của Thư phải khác biệt mới thu hút được khách hàng. Thư tính đến phương án tạo ra các sản phẩm làm đẹp. Cô lên mạng tìm hiểu sâu hơn về những tác dụng tuyệt vời của củ nghệ đến sức khỏe và sắc đẹp mà các bà, các mẹ từ xưa đã áp dụng. Cô đi học nghề làm son, làm xà bông…để về sản xuất sản phẩm làm đẹp từ nghệ. Thư kết nối với các bạn trẻ đang trực tiếp trồng và sản xuất ở vùng Tây Nguyên để thu mua nguyên liệu như: Cà phê, tinh dầu, mật ong…

Đầu năm 2018, Thư thu mua nghệ của người dân trong vùng; đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất. Thư thành lập công ty để giúp cho việc kinh doanh và quảng bá sản phẩm được thuận lợi. Cuối cùng, Thư đã hoàn thiện bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp theo hướng an toàn, tự nhiên, gồm: Tinh bột nghệ nếp đỏ, son nghệ, mặt nạ nghệ, xà bông nghệ.

Sản phẩm làm ra, Thư giới thiệu cho người quen dùng thử và nhận được phản hồi tốt. Sau 3 tháng, Thư bán hết toàn bộ số hàng mà cô dự tính sẽ bán trong vòng một năm. “Sau khi khách hàng dùng son dưỡng nghệ do cơ sở sản xuất đã phản hồi rất tốt. Hiện son là sản phẩm tiếp cận khách hàng nhiều nhất và thương hiệu dần có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Thời gian đầu khi mới ra mắt, số lượng son tiêu thụ khoảng 100 -200 sản phẩm/tháng. Hiện tôi đã bán được trên 1.000 sản phẩm/tháng. Tuy son không lên màu rực rỡ, độ lỳ cũng không được lâu nhưng lại đảm bảo an toàn cho người sử dụng”, Thư chia sẻ.

Để nhiều người biết đến, Thư mang sản phẩm của mình giới thiệu tại các chương trình triển lãm, hội chợ nhằm tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Thư đang phát triển thị trường tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương… Trung bình mỗi tháng, công ty xuất ra thị trường trên 1.500 sản phẩm các loại.

Sau hơn 3 năm khởi nghiệp, Thư có thị trường ổn định, giúp người dân ở vùng quê nghèo tăng thêm thu nhập. “Sản phẩm làm đẹp bằng thiên nhiên, hiệu quả làm đẹp sẽ đến chậm nhưng chắc và bền bỉ, cũng như con đường với củ nghệ mà tôi đang đi”, Thư nói.

Cô gái bỏ việc ngân hàng về quê nâng tầm củ nghệ ảnh 1 Lê Thị Thư chọn lọc những củ nghệ nếp đỏ bản địa để sản xuất các sản phẩm làm đẹp
MỚI - NÓNG