Cây tre mét giúp bà con vùng cao Nghệ An thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Không những góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất ven đồi núi, ven khe, sông suối, cây tre mét còn góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao Nghệ An.

Ông Vũ Văn Thủy (trú thôn Na Tụng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An) vui vẻ khi nói với chúng tôi, nhờ có hơn 1 ha cây tre mét mà gia đình có thu nhập ổn định, nhà cửa được sửa sang lại khang trang, có tiền mua sắm vật dụng trong nhà, mua xe máy và có tiền lo cho con cái học hành đầy đủ.

“Gia đình có hơn 1 ha đất đồi trước đây chuyên trồng keo. Sau khi nhận thấy cây tre mét được giá, tôi quyết định không trồng cây keo nữa, mà chuyển sang trồng tre mét. Trồng cây mét không khó, chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch được hàng chục năm, nếu biết chăm sóc tốt thì ngày nào cũng có thu nhập”, ông Thủy nói và bật mí mỗi năm, cây tre mét mang lại cho gia đình thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng. Đây là mức thu nhập giúp nhiều gia đình ở vùng nông thôn miền núi vươn lên thoát nghèo.

Cây tre mét giúp bà con vùng cao Nghệ An thoát nghèo ảnh 1

Để hạn chế sâu bệnh, khâu chọn giống rất quan trọng.

Cây tre mét hiện đang ngày càng có chỗ đứng trong cơ cấu cây lâm nghiệp tại huyện miền núi Tương Dương. Ngoài cung cấp thân để làm vật liệu xây dựng, tăm mành, đũa ăn, đồ thủ công mỹ nghệ, nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy, tre mét còn cung cấp măng làm thực phẩm.

Không chỉ có tác dụng hạn chế lũ lụt, xói mòn, tre mét là loại cây lâm nghiệp (ngoài cây gỗ) có khả năng trồng thành vùng nguyên liệu chuyên canh, khai thác bền vững. Nhờ vào hiệu quả kinh tế của loài cây đa tác dụng này giúp bà con vùng cao có thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 1.600ha tre mét, được trồng chủ yếu trên rừng sản xuất ở các xã Yên Thắng, Nhôn Mai, Tam Đình, Tam Thái, … thông qua các chương trình, dự án phủ xanh đất trống đồi núi trọc hoặc do các dự án lâm nghiệp tài trợ.

“Cây tre mét đang dần trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Không chỉ có tác dụng trong phát triển kinh tế, cây tre mét còn góp phần phủ xanh đồi trọc, giúp hạn chế lũ lụt. Để đảm bảo chất lượng, huyện khuyến khích bà con nên sử dụng cây giống từ các cơ sở có uy tín trên địa bàn”, ông Hoa chia sẻ.

Cây tre mét giúp bà con vùng cao Nghệ An thoát nghèo ảnh 2

Tre mét được thương lái thu mua làm nguyên liệu cho ngành sản xuất giấy.

UBND huyện Tương Dương đã thông qua Đề án phát triển cây tre mét giai đoạn 2021 - 2025. Song song với việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, khai thác cho người dân địa phương, huyện đặt mục tiêu mở rộng rừng tre mét lên 10.000ha, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến sâu các sản phẩm.

Đồng thời, địa phương cùng với các đơn vị đang xúc tiến xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Từ đó, nâng cao giá trị xuất khẩu đối với những sản phẩm của cây tre mét, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm.

MỚI - NÓNG