Luật và thực tiễn

Luật và thực tiễn
TP - Hôm qua, tại phiên giải trình về việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp trước tình trạng

> Luật vẫn xa dân!
> Cần có tiêu chí đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật

nhiều văn bản pháp luật ban hành thiếu thực tế, gây phản ứng trong người dân như quy định xử phạt “xe chính chủ”, phí giao thông đường bộ hay mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới bắt buộc phải ghi tên cha, mẹ.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã thẳng thắn nhận là có khuyết điểm trong việc thẩm định quy định CMND buộc phải ghi tên cha, mẹ. Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, việc thẩm định thông tư 27 của Bộ Công an là căn cứ theo hai nghị định 05 và 170 của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 05 ra đời năm 1999, vào thời kỳ “việc ban hành văn bản pháp luật chưa nề nếp lắm”.

Sau đó, Nghị định 170 tiếp tục nêu lại nội dung của Nghị định 05 nên khi Bộ Công an trình thông tư 27 Bộ Tư pháp đã đồng tình luôn với quan niệm “cái gì đã có quy định rồi thì không thẩm định lại, không xem xét trên tình hình thực tế hiện nay”. “Chúng tôi đã nhận khuyết điểm về việc làm máy móc này”- Ông Cường nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam thì cho rằng, quy định CMND mới có ghi tên cha mẹ là để nhằm quản lý xã hội tốt hơn. Tuy nhiên, vì có rất nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an làm thí điểm, tham khảo và xin ý kiến của các chuyên gia pháp luật, nhân dân, học hỏi kinh nghiệm các nước để có báo cáo đánh giá kết quả thí điểm.

Sau đó Chính phủ sẽ thảo luận tập thể xem việc này có nên áp dụng chính thức hay không. “Tinh thần là quản lý xã hội chặt chẽ nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phải phù hợp với tình hình thực tiễn”- Ông Đam nói.

Qua câu chuyện CMND phải ghi tên cha, mẹ cho thấy giữa quy định pháp luật và thực tiễn dường như vẫn còn có khoảng cách. Vẫn biết rằng, không một quy định nào đảm bảo trọn vẹn tất cả mọi mặt, và bao giờ cũng có một quy định mà sau khi ban hành gây ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số chuyên gia pháp luật đã thẳng thắn cho rằng, quy định phải ghi tên cha mẹ vào CMND không giúp gì hơn cho quản lý, thậm chí còn tạo ra những phản ứng trái chiều, có thể vi phạm quyền con người.

Pháp luật là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội. Pháp luật sẽ giúp cho các quan hệ trong xã hội được hài hòa, bảo đảm quyền lợi của mỗi người. Nếu pháp luật phù hợp với thực tiễn, sẽ được mọi người tự nguyện tôn trọng và thực hiện.

Ngược lại, nếu pháp luật không phù hợp với thực tiễn thì không những bị “chết yểu” trong đời sống mà nó còn gây ra hệ lụy cho xã hội, khiến người dân không đồng tình thực hiện. Đó là những điều mà những nhà quản trị ban hành quy định pháp luật cần lưu tâm.

Những chất vấn, phát biểu thẳng thẳn của các vị đại biểu Quốc hội về những điều chưa hợp lý của quy định pháp luật sẽ nhận được thêm sự tin tưởng của cử tri và nhân dân. Đó cũng là nhằm mục đích xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương, văn minh.

Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thể hiện đúng đắn ý chí và nguyện vọng của số đông nhân dân, phù hợp với xu thế vận động của lịch sử sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG