Đó là ý kiến của luật sư Lê Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Hà Nội, cũng là quan điểm của rất nhiều chuyên gia pháp lý khi luận bàn về nội dung truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Ở “phía bên kia”, các nhà làm luật lại khẳng định, mọi khúc mắc đã được giải đáp, và việc xây dựng chế định này sẽ khỏa lấp các lỗ hổng trong hệ thống pháp luật hiện hành.
Đối mặt 15 tội danh
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi dành riêng một chương điều chỉnh đối với pháp nhân. Theo đó, các tổ chức kinh tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 71 của dự luật, đó là những hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân, được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân và có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân. Khi thỏa mãn các dấu hiệu nói trên, các tổ chức kinh tế có nguy cơ đối mặt với 15 tội danh, quy định tại Điều 73.
Cụ thể, đó là các tội Gây ô nhiễm môi trường, Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại, Đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam, Huỷ hoại nguồn lợi thủy sản, Hủy hoại rừng, Buôn lậu, Trốn thuế, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, Sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, Thao túng giá chứng khoán, Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, Tài trợ khủng bố, Rửa tiền, Nhận hối lộ và tội Đưa hối lộ.
Lần đầu dùng tiền làm hình phạt chính
Ghi nhận của Bộ Tư pháp cho hay, các Bộ luật Hình sự trước đó chưa từng sử dụng tiền để làm hình phạt chính. Lần này, theo Ban Soạn thảo bộ luật, việc áp dụng cơ chế phạt tiền thành hình phạt chính sẽ lần đầu được áp dụng, và cũng là chế định phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, tại Điều 74 của bộ luật, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với pháp nhân phạm các tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các tội phạm theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật này. Ngoài ra, hình thức phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với pháp nhân phạm bất kỳ tội nào thuộc các tội phạm theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật này. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời, có xét đến tình hình tài chính của pháp nhân phạm tội, nhưng không được thấp hơn 10 triệu đồng.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm của pháp nhân, dự luật cũng bổ sung điều luật mới. Cụ thể, Điều 75 quy định, sẽ tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo lĩnh vực hoạt động được ghi trong giấy phép và hành vi vi phạm có khả năng khắc phục trên thực tế.
Hoặc, đình chỉ hoạt động có thời hạn được áp dụng đối với pháp nhân phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng, sức khỏe và môi trường sống của con người và hành vi vi phạm có khả năng khắc phục trên thực tế. Tuy nhiên, theo ý kiến của Ban Soạn thảo, đây là 2 biện pháp có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của pháp nhân nên cần áp dụng hạn chế.
Không đúng với bản chất luật hình sự
Quá trình xây dựng luật, nhất là chế định truy cứu hình sự đối với pháp nhân đã có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự tập thể, như vậy là đi ngược với bản chất tội phạm hình sự.
Luật sư Nghiêm Diệu Thúy (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, bản chất của pháp luật hình sự là cá thể hóa hình phạt, nghĩa là chỉ xem xét, truy cứu trách nhiệm của từng cá nhân. Theo luật sư Thúy, hàng trăm năm qua, từ thực tiễn lẫn lý luận, chưa từng ghi nhận việc truy cứu hình sự đối với các tổ chức. “Không thể chụp mũ một tập thể trong một hành vi nào đó, cần tách bạch tính chất, mức độ phạm tội của từng cá nhân, qua đó, mới có thể định lượng và đưa ra hình phạt tương xứng” - luật sư Thúy nhấn mạnh.
Bổ sung ý kiến này, luật sư Lê Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Hà Nội cho rằng, bản chất của luật hình sự là việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các cá nhân phạm tội với những khách thể được cơ quan nhà nước bảo vệ. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự được xây dựng nhằm răn đe, xử phạt, đào tạo, giáo dục một cá nhân nào đó khi phạm tội. Còn ở đây, nếu chúng ta cổ suý cho việc xử lý hình sự pháp nhân, nghĩa là hàng loạt hệ luỵ sẽ lập tức xuất hiện.
“Tôi ví dụ một doanh nghiệp, hay tập đoàn sản xuất kinh tế với hàng ngàn, thậm chí cả vạn công nhân. Giờ, vì lý do nào đó, chúng ta xử lý hình sự pháp nhân, nghĩa là, đời sống hàng vạn con người kia sẽ bên bờ vực. Rồi còn công tác an sinh xã hội, trật tự trị an, và nữa, đó là hoạt động bình thường của tập đoàn, hay doanh nghiệp đó. Ai sẽ chịu trách nhiệm?” - luật sư Thiệp nêu quan điểm.
Bàn ở góc độ khác, luật sư Nguyễn Tiến Trung - Trưởng văn phòng luật sư Trung Nguyễn, Hà Nội phân tích, bản chất câu chuyện truy cứu hình sự đối với pháp nhân chính là chế định liên quan đến tài sản. Ở đây, có thể thấy rõ tâm lý của các nhà làm luật, đó là tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án, bởi áp dụng cơ chế tố tụng hình sự sẽ tạo “uy lực” và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ở góc độ xử lý tài sản pháp nhân, chúng ta đã có cả hệ thống pháp luật liên quan, như luật doanh nghiệp, luật hành chính. Chính vì thế, theo ông Trung, muốn tăng hiệu quả quản lý, muốn răn đe các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, các nhà làm luật có thể đề xuất hướng tăng hình phạt. “Tại sao không phạt nhiều, phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm của doanh nghiệp” - luật sư Trung nói.
* Đáp ứng hội nhập pháp luật quốc tế
Trong lần làm việc với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương mới đây, ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, việc đưa pháp nhân làm chủ thể truy cứu trách nhiệm hình sự chính là đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện trong nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, chế định này sẽ khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành cũng như thực thi cam kết các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
* Nguy cơ cá nhân núp bóng tập thể để phạm tội
“Pháp nhân đã có chế tài xử lý hành chính, kinh tế. Bởi nghị quyết của tập thể đã cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu. Giờ cho áp dụng truy cứu trách nhiệm pháp nhân sẽ dẫn đến nguy cơ cá nhân núp bóng vào tập thể để phạm tội”.
(Luật sư Nghiêm Diệu Thúy, Đoàn luật sư Hà Nội)
* Sân chơi không sòng phẳng
Ở đây, dự luật mới chỉ áp dụng các chủ thể là tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp. Vậy, còn các tổ chức chính trị, xã hội, cơ quan nhà nước thì sao? Chúng ta có thể phạt nặng một tổ chức kinh tế, xử lý hình sự họ, song lại không đưa cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội vào để điều chỉnh. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sân chơi không lành mạnh, hành lang pháp lý không lành mạnh và nhất là việc thể hiện sự áp đặt trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật.
(Luật sư Vi Văn A - Trưởng văn phòng luật sư số 7, Hà Nội)
* Đã có 116 quốc gia áp dụng
Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt đã lâu quá rồi. Ngày nay, việc xem xét trách nhiệm hình sự không thuần tuý thuộc về cá nhân nữa. Tất nhiên, khi xử lý hình sự pháp nhân, các cơ quan tố tụng phải xem xét đến mối quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân. Tôi ví dụ khi xử lý một doanh nghiệp A, do lỗi của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Vậy, chúng ta phải làm rõ chi tiết, cá nhân đó phải là người đại diện cho pháp nhân A, được pháp nhân A ủy quyền, thay mặt, đại diện hay nhận chỉ thị từ pháp nhân đó. Dù với Việt Nam, đây là quy định mới, nhưng trên thế giới đã có 116 quốc gia áp dụng loại hình này rồi.
(Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp)