Đề cao tính nhân văn
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi). Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện tốt hơn các chế độ, chính sách BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Theo ông Lợi, đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới về bảo đảm an sinh xã hội của nước ta; bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, tiếp cận dần đến cân đối Quỹ BHXH; bảo đảm công bằng xã hội và tính khả thi, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự đồng thuận của xã hội.
Theo ông Lợi, một trong những điểm mới của Luật BHXH là mở rộng đối tượng tham gia BHXH và đồng nghĩa với việc thụ hưởng chính sách an sinh từ hoạt động này. “Ở Việt Nam hiện nay, số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là 16 triệu người nhưng mới chỉ có 11,5 triệu người tham gia. Trong 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp đăng ký tham gia BHXH cho NLĐ. Riêng BHXH tự nguyện hiện tại mới chỉ chiếm 5% số người thuộc diện tham gia. Điều đó xuất phát từ những quy định đối tượng tham BHXH hiện hành đang bị bó hẹp và đã được khắc phục trong Luật BHXH sửa đổi năm 2014”, ông Lợi khẳng định.
Đồng quan điểm, tại một cuộc giao lưu mới đây, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí, Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, với tư cách là quyền con người thì mọi công dân nói chung, đặc biệt NLĐ nói riêng có quyền được hưởng chế độ an sinh xã hội. Luật BHXH sửa đổi có rất nhiều điểm mới đề cao tính nhân văn, nhân đạo, vì con người.
Bà Hồ Thị Kim Ngân, Trưởng phòng Pháp Luật - Ban Quan hệ Lao động (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện trong Luật BHXH sửa đổi có rất nhiều điểm mới để phát triển đối tượng tham gia như không khống chế tuổi trần tham gia. Theo Luật BHXH hiện hành thì người tham gia BHXH tự nguyện là người trong độ tuổi lao động còn Luật BHXH sửa đổi quy định là công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 15 trở lên là có thể tham gia. Hay mức thu nhập để NLĐ có thể tham gia BHXH tự nguyện đã để mở, không khống chế mà phụ thuộc vào mức thu nhập của NLĐ.
Tác động sâu rộng tới xã hội
Theo các chuyên gia, mặc dù Luật BHXH sửa đổi chưa chính thức có hiệu lực (từ 1/1/2016 mới có hiệu lực), tuy nhiên, đây là văn bản có tầm ảnh hưởng rộng lớn. Do đó, ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, đã được sự đón nhận của đông đảo NLĐ. Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi, các nhà làm luật đã tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và bảo vệ Quỹ BHXH nhưng trên hết là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia BHXH.
“Khi xây dựng Luật BHXH sửa đổi, các nhà làm luật đã tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng và bảo vệ Quỹ BHXH nhưng trên hết là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia BHXH”.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ông Phùng Quang Huy, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, giới sử dụng lao động cơ bản hoàn toàn nhất trí và muốn tham gia vào quá trình này. BHXH khác với các loại hình bảo hiểm khác. Ở đây có sự tham gia của giới chủ sử dụng lao động, Nhà nước và một phần của NLĐ. Do đó, đặc thù này khác với các loại bảo hiểm thông thường. Nếu các chủ sử dụng lao động khuyến khích và ủng hộ NLĐ tham gia BHXH, họ sẽ có hậu phương bền vững và như thế mới đảm bảo được nguồn lực lao động thường xuyên, hài hòa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá những nội dung sửa đổi của Luật BHXH sửa đổi đã đáp ứng và rất sát với nhu cầu thực tiễn. Theo ông Cường, so với Luật BHXH năm 2006, Luật BHXH được sửa đổi năm 2014 đã quy định theo hướng mở rộng hơn đối tượng tham gia BHXH cũng như nâng cao chất lượng chính sách BHXH, tiếp tục tạo cơ hội mạnh mẽ hơn cho nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức được tiếp cận chính sách, bảo đảm an sinh cho mình và xã hội.
Ngoài ra, theo ông Cường, Luật cũng hoàn thiện nguyên tắc đóng- hưởng BHXH, mang ý nghĩa đoàn kết chia sẻ trong cộng đồng, là sự bảo đảm thay thế cho NLĐ nhằm giải quyết những rủi ro trong cuộc sống khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm cũng như khi đến tuổi già không còn khả năng lao động.