Lúa khát nước, nông dân bất lực ngồi bờ. Ảnh: Việt Hương . |
Sông trơ đáy, lúa chết cháy
Dọc tuyến kênh qua thôn Liên Trì 1, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) nguồn nước chảy vào ruộng đoạn có đoạn mất. Chị Ba đang cố cào lại những bụi lúa chết khô vì thiếu nước, nói: “Mấy năm trước đâu có tình trạng như vầy, nay ruộng nào cũng nứt nẻ, lúa chết đồng loạt”.
Các thôn Phú Lương, Phú Liên, xã Ân Phú (TP Tuy Hòa) vốn được mệnh danh là vựa lúa miền Trung, đất đai màu mỡ nay lúa cũng chết khô vì thiếu nước. Ông Nguyễn Tấn Minh, phụ trách thủy nông của HTX Ân Phú, cho biết: “Cánh đồng này từ trước tới nay không hề thiếu nước mà không hiểu sao nhiều tháng nay không có nước. Chúng tôi phải trực hơn 10 ngày nay mà chỉ dẫn về được rất ít”.
Bà Nguyễn Thị Sáng, 76 tuổi trú thôn Phú Liên (Ân Phú) nói: “Nhà tui có hơn 4 sào ruộng, là nguồn cung cấp lúa gạo cả năm cho gia đình, giờ lúa sạ xuống chết cháy hết rồi”. Dòng sông Ba trơ đáy từng ngày. Hàng ngàn hộ dân tá túc ven sông bằng nghề chài lưới cũng chịu cảnh bó gối.
Ông Trần Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Tây An Phú nói: “Toàn xã có 54 ha lúa vụ hè thu thì hơn hai phần đã chết cháy vì thiếu nước. Chúng tôi đang cố gắng khơi mương, đào hố tích nước ngày đêm để cứu lúa, nhưng nếu đầu nguồn không dẫn nước về thì chúng tôi hết cách”.
Tại xứ đồng Bàu Súng, xã An Mỹ (Tuy An), giữa nắng nóng, nhiều nông dân vẫn trần mình để tìm kiếm nguồn nước tưới. Có nhiều hộ nông dân khác tại An Mỹ phải bỏ tiền mua ống nhựa để bơm nước cứu những ruộng lúa cuối cùng. Theo ông Biện Hồng Kông - Phó Chủ tịch UBND xã An Mỹ: Xứ đồng Bàu Súng có 120 ha lúa thì đã có 80 ha đang làm đòng, trổ bông bị chết cháy do thiếu nước”.
Phụ thuộc thủy điện
Với hàng ngàn hộ dân huyện Tuy An, Sơn Hòa, và TP Tuy Hòa, hy vọng duy nhất là được các ngành chức năng hỗ trợ dân đem nước về cứu lúa.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, ông Phan Đình Cự nói: Có nhiều dự án thủy điện cũng là sự lợi bất cập hại đối với Phú Yên. Tôi sẽ trực tiếp kiểm tra lại các địa điểm chính xác và cùng các ban, ngành xuống ruộng tìm cách dẫn nước cứu lúa”. |
Nhưng ngay như đơn vị cung ứng nguồn nước tưới cho trên 17.000 ha lúa vụ hè thu là Công ty Thủy nông Đồng Cam cũng ngán ngẩm vì sự nhả nước cầm chừng của các hệ thống thủy điện đầu nguồn.
Ông Trần Tiến Anh - Giám đốc Công ty thừa nhận: Nắng nóng kéo dài trong thời gian qua, cộng với các công trình thủy điện trên bậc thang sông Ba tăng cường tích nước đã làm mực nước tại công trình đầu mối đập Đồng Cam thấp dưới tràn gần nửa mét. Lượng nước không đủ vào các kênh chính dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Theo ông Anh, hệ thống nước đầu nguồn xả xuống không đều, mỗi tháng phải có 2-3 lần hệ thống nước trong đập Đồng Cam thấp dưới tràn, không đủ để dẫn về các kênh mương thủy lợi gây hạn hán trên diện rộng. Để điều tiết được nguồn nước dẫn công ty phải phụ thuộc hoàn toàn vào các hệ thống thủy điện đầu nguồn.
Một số ý kiến cho rằng, do Thủy điện An Khê - Kanak lấy nước từ sông Ba và đưa về sông Kôn, trong khi mùa lũ thì lại xả lũ về sông Ba, do vậy Phú Yên sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa khô và sẽ bị ngập nặng vào mùa mưa.