> Lúa đông xuân trúng mùa mất giá
Lúa nông chất đầy sân chờ bán ở Tri Tôn. Ảnh: Hồng Lĩnh. |
Nông dân Nguyễn Văn Bảy ở xã Mỹ Lâm (Hòn Đất, Kiên Giang) cho biết, chi phí thu hoạch một công lúa (làm thủ công) từ ruộng về nhà hết một triệu đồng, gồm các khâu: cắt, gom, suốt, vận chuyển.
Tuy nhiên, có người thuê cắt lúa xong lại không tìm được máy suốt, xe vận chuyển, vì thế phải ra đồng nằm canh lúa cả tuần.
Còn nếu thuê máy gặt đập liên hợp, mỗi công giá 400.000 đồng với lúa đứng và 600.000 đồng với lúa đổ, tiền thuê kéo về nhà khoảng 200.000 đồng nữa, tính ra giá cao gần gấp đôi năm 2011.
Thuê máy gặt đập liên hợp, hiện rất khó và không phải ruộng nào máy cũng vào được.
“Cái quan trọng là lúa đưa về đến nhà phơi khô, chất đầy ra đấy cũng không có người hỏi mua, trong khi các khoản nợ phân bón, thuốc trừ sâu, trả nợ ngân hàng… đã đến hạn”, ông Bảy nói.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hòn Đất, ông Đào Xuân Nha cho biết: “Cả huyện còn khoảng 20.000 ha lúa chưa thu hoạch, trong tổng số 74.000 ha lúa đông xuân.
Giá lúa tươi giống IR50404 mua tại ruộng hiện 4.100 - 4.200 đồng/kg; các giống lúa thơm giá 4.700 - 5.300 đồng/kg. Lúa khô cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Tiến độ mua lúa chậm, giá thấp”.
Dọc các tuyến đường, kinh, đê bao từ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) qua Tri Tôn, TX Châu Đốc (An Giang), lúa đang được phơi, đóng bao chất đầy đồng, đầy nhà chờ bán.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, GĐ Sở Công thương An Giang, cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở An Giang ký được rất ít hợp đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm 2012 chỉ được trên 69.000 tấn, bằng 46% so cùng kỳ năm 2011.
Hiện toàn tỉnh tồn kho khoảng 145.000 tấn gạo. Bà Phạm Thị Hòa, GĐ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nói từ vụ hè thu năm ngoái đã khuyến cáo nông dân nên chuyển qua trồng màu, hoặc hạn chế trồng những giống lúa không hiệu quả, trong đó có giống lúa IR50404.
Tuy nhiên, ở tỉnh An Giang giống lúa IR 50404 vẫn chiếm tỷ lệ 25-27%, trong khi Bộ NN&PTNT khuyến cáo chỉ nên trồng 10%.
Trong lúc đó, các doanh nghiệp đang mua một triệu tấn gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ. Lượng gạo tồn kho năm 2011 còn trên một triệu tấn, vụ đông xuân này khoảng 3,5 triệu tấn nữa.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ba tháng đầu năm cả nước chỉ xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, giảm hơn 42% so với cùng kỳ.