Lũ lụt miền Trung do đánh giá tác động môi trường chưa thấu đáo?

Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa Ảnh: QH
Ðại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa Ảnh: QH
TP - “Những hậu quả do thiên tai để lại của khu vực miền Trung cho thấy, sự cố về môi trường, những tác động của môi trường theo chiều hướng xấu có nhiều nguyên nhân. Trong đó chắc chắn có những nguyên nhân do khâu đánh giá tác động môi trường của một số dự án chưa được thấu đáo”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhận định vào ngày 24/10, khi cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Sau khi tiếp thu chỉnh lý, lần này có nhiều nội dung trong dự thảo luật được trình ra xin ý kiến cho cả hai phương án. Ví như, liên quan đến việc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), dự thảo đưa ra 2 phương án.

Trong đó phương án 1 theo tờ trình của Chính phủ là giao bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM. Còn phương án 2, theo ý kiến của nhiều Đoàn ĐBQH là giao cho UBND cấp tỉnh phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nhiệm vụ này.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho biết, kết quả xin ý kiến, đa số các Đoàn ĐBQH đề nghị thực hiện theo phương án 2, với 40/50 đoàn có ý kiến về nội dung này.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị thực hiện phương án 2, giao cho UBND cấp tỉnh thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt. “Trách nhiệm về bảo vệ môi trường, xử lý môi trường thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thành phố, các địa phương mới nắm chắc được mức độ tác động của dự án đến môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh của dân cư tại địa phương”, ông Tuân cho hay.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã họp nhiều lần, đưa ra các phương án, trong đó đa số các ý kiến ủng hộ, sau đó mới trình ra Quốc hội. Với 20 ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu xác đáng để tham mưu cho các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo ra Quốc hội.

MỚI - NÓNG