Trắng đêm cứu hộ giữa phố
“Nhà kiệt 161/04/14/42/06 Mẹ Suốt, nước ngập sâu không thoát ra được, nhà có con nhỏ cần được cứu ạ!”, “SOS cứu khẩn cấp! 15 em sinh viên đang bị mắc kẹt không ra được ở 457/68/3 Tôn Đức Thắng”, “Kiệt 138/74/25 Hoàng Văn Thái có 3 trẻ nhỏ, 2 phụ nữ. Nước lên gần lút đầu, hiện đang dâng gần lên gác. Cầu cứu!”… Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm dòng bình luận cầu cứu trên trang fanpage của Đội Xuồng cứu hộ Đà Nẵng trong mưa ngập lịch sử 14/10.
Các thành viên của Đội Xuồng cứu hộ Đà Nẵng dầm nước xuyên đêm để hỗ trợ người dân thoát khỏi nơi ngập, lụt Ảnh: NVCC |
Thông tin đường dây nóng của Đội được công khai trên fanpage, những dòng tin nhắn, những cuộc gọi cầu cứu dồn dập đổ về. Trực “tổng đài”, anh Trần Đình Khoa (Đội trưởng) thảng thốt bởi thông tin quá nhiều.
“Những khu vực nào có người già, trẻ em và ngập sâu nguy hiểm, tôi sẽ chuyển cho đồng đội nhanh nhất để tiếp cận. Đầu tiên là cú điện thoại từ khu vực đường Trưng Nữ Vương, có 7 người lớn và 10 em nhỏ bị mắc kẹt, chúng tôi cử ngay một xuồng tiếp cận. 4 xuồng còn lại chia 2 cánh, cứu hộ các khu vực đường Mẹ Suốt, Tôn Đức Thắng, Hoàng Văn Thái (quận Liên Chiểu) và Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê)”, anh Khoa kể.
Đặng Văn Tiến (27 tuổi, thợ sửa xe) cùng đồng nghiệp lặn lội từ Nông Sơn (Quảng Nam) xuống Đà Nẵng sửa xe miễn phí Ảnh: Giang Thanh |
Hai ngày sau đêm kinh hoàng đó, anh Phan Minh Việt (thành viên Đội Xuồng cứu hộ, một trong những người trực tiếp trắng đêm giải cứu người dân giữa dòng nước lụt) vẫn chưa hết bàng hoàng.
“Bao nhiêu năm ở Đà Nẵng, tôi chưa bao giờ nghĩ thành phố lại có thể ngập sâu như vậy, cũng chưa bao giờ thấy cả trăm, cả ngàn lời kêu cứu hiện lên liên tục trên thông báo của Facebook đội như thế”, anh Việt nói.
Tối hôm đó, thấy nước dâng lên nhanh tại nhiều khu vực thấp, trũng trong thành phố, Đội đã chủ động sắp xếp, chuẩn bị phương tiện để hỗ trợ. Những chiếc xuồng được chất lên xe bán tải, di chuyển từ quận Sơn Trà sang quận Liên Chiểu - khu vực có nhiều điểm ngập sâu, cần hỗ trợ.
“Khoảng 20h, cả đội di chuyển. Đường trung tâm đều ngập sâu, anh em quyết định đi đường biển nhưng cũng không khá hơn, xém trôi xe. Quãng đường di chuyển bình thường chỉ khoảng 20 - 30 phút, giờ mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ”, anh Việt kể.
Tuy nhiên, xe bán tải đến những chỗ ngập sâu cũng “chịu cứng”. May mắn, Đội gặp được xe cứu hộ của quân đội và được hỗ trợ di chuyển lên khu vực ngập sâu ở đường Tôn Đức Thắng, sau đó vào đường Mẹ Suốt. Chưa bao giờ anh Việt thấy nhà cửa ngập sâu đến thế, có những căn nhà cấp 4 ngập tới gần nóc, người dân phải trèo lên nóc chờ cứu hộ.
Những con hẻm sâu, ngoằn ngoèo. Đội nhờ người dân khu vực đó dẫn đường để tiếp cận.
“Trong khu Mẹ Suốt nước ngập rất sâu, chảy xiết, Đội rất chật vật để tiếp cận bà con. May mắn là có sự chuẩn bị kỹ từ áo phao, thiết bị, dây neo… nên việc cứu hộ thực hiện suôn sẻ. Tất cả các thành viên nguyên một đêm trắng dầm trong nước, đến 7h sáng hôm sau mới về được đến nhà. Tuy nhiên, chúng tôi hạnh phúc vì hỗ trợ và giúp đỡ được nhiều người dân qua cơn khốn khó”, anh Việt nói.
Những người trẻ không ngại khó
Tối 14/10, mưa như trút nước, một cậu thanh niên bận bộ đồ ở nhà, trùm áo mưa đến trước khu ngập sâu trên đường Mẹ Suốt và xin lực lượng chức năng tham gia cứu hộ người dân. Đó là Nguyễn Minh Đức (SN 2004, sinh viên năm nhất Cao đẳng FPT Đà Nẵng). Thoạt nghe, các chiến sĩ cũng giật mình từ chối vì sợ bất trắc cho cậu. Nhưng Đức vẫn quả quyết: “Em bơi rất giỏi, các anh cứ để em giúp”. Sự kiên định của Đức thuyết phục được chỉ huy ở hiện trường.
Trắng đêm hỗ trợ lực lượng chức năng cứu người, Nguyễn Minh Đức (SV năm nhất Cao đẳng FPT Đà Nẵng) luôn thường trực nụ cười trên môi Ảnh: H.N |
Nhận chiếc áo phao cùng cuộn dây thừng, Đức cùng 2 anh bộ đội lội sâu vào phía trong để hỗ trợ các hộ bị ngập. Sinh ra ở vùng rốn lũ Can Lộc (Hà Tĩnh), hơn ai hết, Đức hiểu rõ sự nguy hiểm của những đợt nước lên nhanh, khiến người dân không kịp trở tay. “Ngồi lướt Facebook, thấy thông tin kêu cứu của bà con ở quanh khu trọ, em nóng ruột lắm. Vì vậy, em đánh liều đội mưa chạy ra để giúp, em chẳng có gì ngoài sức trẻ cả”, Đức nói.
Ngâm mình trong dòng nước hàng giờ liền, bàn tay Đức nhăn nheo, lạnh toát, nhưng nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Đức kể, lúc đó cúp điện, trời tối đen như mực, nước dâng cao ngang ngực, chảy xiết nên cậu cũng sợ.
“Tuy nhiên, có các anh bộ đội đi cùng nên em yên tâm hơn. Cứu được mọi người ra ngoài an toàn, em mừng lắm! Trong bão lũ, bộ đội, công an, dân quân, các đội thiện nguyện chuyên nghiệp… mới là những người bất chấp nguy hiểm để hỗ trợ người dân, em chỉ muốn góp một phần nhỏ để giúp các anh cứu người”, Đức chia sẻ.
Đêm mưa ngập, những cuộc gọi kêu cứu của sinh viên đang mắc kẹt tại các cung đường, phòng trọ ngập nước liên tục đổ về đường dây nóng của Đội SOS Đại học Đông Á Đà Nẵng. Ngay lập tức, các thành viên của Đội tỏa đi các cung đường để hỗ trợ.
Theo anh Lê Đình Lượng, Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Đông Á, trong đêm 14/10, có khoảng 70 bạn sinh viên ở vùng trũng thấp hoặc đi làm về mắc kẹt trên đường đi học, đi làm thêm về trường để tạm trú qua mưa bão lớn.
“Tất cả xe máy của các bạn cũng được các thành viên Đội SOS gõ cửa nhà dân để xin gửi nhờ qua đêm. Hàng trăm trường hợp người dân chật vật giữa dòng nước cũng được Đội hỗ trợ vượt khúc ngập lụt”, anh Lượng kể.
Sau một buổi tối dầm mưa hỗ trợ, hai ngày nay, Nguyễn Thanh Tài (sinh viên khoa Chế tạo Ô tô, thành viên Đội SOS) tiếp tục hỗ trợ các bạn sinh viên sửa chữa xe máy bị ngập qua đêm. Trong ngày đầu, Đội chia nhau tiếp cận 3 khu vực có đông sinh viên của trường để hỗ trợ. Sau đó, Tài cùng đồng đội về lại trường, lập điểm sửa chữa xe máy miễn phí cố định trong khuôn viên để hỗ trợ cho sinh viên các trường ĐH, CĐ trên địa bàn.
“Đội sửa xe từ 8h sáng, đến tận 8h tối mới xong. Các xe đa phần cần thay nhớt, thay bugi, kiểm tra lại hệ thống điện… Với những lỗi nặng hơn, chúng em sẽ tư vấn để các bạn đến những địa chỉ uy tín sửa chữa tiếp”, Tài kể.
Từ huyện miền núi Nông Sơn (Quảng Nam) vượt hàng trăm cây số xuống Đà Nẵng, Đặng Văn Tiến (27 tuổi, thợ sửa xe) cùng đồng nghiệp làm việc không ngơi tay để hỗ trợ bà con, sinh viên sửa chữa xe máy hư hỏng do ngập nước.
“Sáng 15/10, chúng tôi đang ngồi café thì đọc được tin tức ngập nặng ở Đà Nẵng. Không ai bảo ai, anh em rủ nhau đóng cửa hàng, xuống thành phố để giúp đỡ”, Tiến kể.
Không kịp xếp quần áo, chỉ mang theo hộp đồ nghề, 16 thợ sửa xe máy vượt đèo xuống Đà Nẵng. Ngày đầu, hơn 200 xe máy chết lịm vì ngập nước xuyên đêm đã được sửa xong. Quần áo của anh Tiến lấm lem nhớt xe, lấm tấm bùn đất đỏ au.
“Đến khoảng 10h đêm, tụi tui sẽ về lại Nông Sơn. Thực ra, không ai nghĩ gì to tát đâu, chỉ là biết ở dưới ni ngập lụt xong xe hư hỏng nhiều nên mọi người xuống. Quảng Nam - Đà Nẵng là anh em mà, có chút khó ni sao không giúp nhau cho được”, anh Tiến cười.
Từng cứu hộ cho nhiều địa phương vùng rốn lũ ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…, anh Việt và đồng đội không thể ngờ có một ngày, giữa lòng thành phố Đà Nẵng, những chiếc xuồng cứu hộ lại phăng phăng vượt dòng nước xiết, giải cứu bà con trong những căn nhà ngập sâu đến 2 - 3m.