Lũ diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Thanh Hóa

Lũ diễn biến phức tạp tại Nghệ An, Thanh Hóa
TP - Ngập lớn tại Yên Tĩnh, thủy điện Bản Vẽ hoạt động bình thường

> Nghệ An: Mưa lũ làm 5 người chết
> Mưa lũ gây thiệt hại lớn
> Lở đất vùi lớp học, một cháu bé tử vong

Một trận lũ tràn qua xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An gây ngập từ 1m đến 1,5m, kéo dài 3 giờ đồng hồ vào rạng sáng 14-9 nhưng không có thương vong về người. Trường Tiểu học Yên Tĩnh và nhiều nhà dân chìm trong nước.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương Hồ Cảnh nói, trong đêm 13-9, mưa hầu như đã chấm dứt trên toàn huyện. Tuy nhiên, tại xã Yên Tĩnh lúc 3h sáng 14-9 bất ngờ có mưa lớn. Với lượng mưa hàng trăm mm kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ, xã vùng sâu vùng xa này bị ngập lút.

Nhiều nhà dân bị lũ bao vây trong đêm. Một khối lượng lớn sách vở, đồ dùng học tập của giáo viên, học sinh bị ướt, hư hỏng. Giữa bốn bề núi non trùng điệp, Yên Tĩnh như một lòng chảo và nơi đây thường phải hứng chịu lũ lụt càn quét.

Mưa lớn ở xã Yên Tĩnh, trong khi xã Yên Na- nơi xảy ra vụ lở núi uy hiếp Nhà máy Thủy điện bản Vẽ trời quang mây tạnh. Tốc độ sạt lở đất đá trên sườn núi gần khu vực công trình thủy điện chững lại chiều ngày 14-9.

Ngày 14-9, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn Nghệ An có báo cáo nhanh, cho biết hiện Nhà máy Thủy điện bản Vẽ vẫn hoạt động bình thường. Trước đó, ngày 13-9, do mưa lớn kéo dài khu vực xung quanh công trình bị sạt lở taluy dương, đường vào nhà máy, phía hạ lưu đập dài 120m, chiều cao trượt 70-100m, cách nhà máy khoảng 20m, khối lượng sạt lở khoảng 25.000m3 đất.

Ban quản lý Dự án Thuỷ điện bản Vẽ phối hợp với chính quyền địa phương huy động máy móc cơ giới giải phóng khối lượng đất đá bị sạt lở, nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.

Sáng qua, tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An người dân phát hiện thi thể một phụ nữ chết đuối dưới đập nước. Danh tính nạn nhân được xác định là chị Chu Thị Tình (30 tuổi), ngụ tại xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Chiều 13-9 chị Tình trên đường đi chăn trâu về, lúc đi ngang qua địa bàn xóm 10, xã Quỳnh Mỹ thì gặp trời mưa to, nước lũ từ đập tràn qua đường chảy xiết, chị Tình không may sẩy chân rơi xuống hố đập dẫn đến chết đuối. Chị Tình hoàn cảnh khó khăn, có 3 con nhỏ, chồng đang đi làm ăn xa.

Xả hồ Yên Mỹ có sai quy trình?

Hồ Yên Mỹ (Thanh Hóa) xả lũ gây thiệt hại hàng trăm hécta lúa của huyện Nông Cống khiến người dân bức xúc. Đập ở hồ này đang ở thế nguy hiểm, nguy cơ tác động rất lớn tới hạ du.

Chiều 14-9, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết, trong mấy ngày qua, việc mưa lớn kết hợp việc xả lũ của hồ Yên Mỹ đã gây ngập lụt tại xã Tượng Sơn và một phần diện tích xã Công Chính của huyện.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thủy, Tổng giám đốc Cty TNHH một thành viên thuỷ lợi Sông Chu khẳng định: Việc xả lũ của công ty được thực hiện là đúng quy trình khi mực nước trên lòng hồ đạt 20,36 m. Xả lũ trong thời gian từ 20h ngày 10-9 đến 9h ngày 11-9. Khi có lệnh dừng xả lũ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hoá thì công ty đã dừng xả lũ.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Hoài, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, hồ Yên Mỹ có đập chính là đập đất, và 3 cửa tràn xả lũ, có van điều tiết, là loại đập lớn dung tích chứa tới 84,36 triệu m3 nước. Lúc 20h ngày 10-9, mực nước đang ở 20,94 m, quản lý hồ đã cho mở cửa van xả, với lưu lượng 300 m3/giây. Đến 9 giờ, ngày 11-9, mực nước hồ xuống còn 20,36m, thì được lệnh đóng cửa xả lũ.

“Tuy nhiên, sau khi đóng cửa xả, do trời vẫn tiếp tục mưa, nên lượng nước đang đến đỉnh tràn, lúc cao nhất tới 1,7m. Đây là tình huống bất lợi cho công trình và không đúng quy trình vận hành mà Bộ NN&PTNT quy định”- ông Hoài nói.

Tuy nhiên, ông Đặng Duy Hiển, Phó vụ trưởng Vụ quản lý các công trình thủy lợi (Tổng Cục thủy lợi, Bộ NN&PTNT) cho biết, theo quy định của Bộ NN&PTNT, trong tháng 9, nếu mực nước lên 20,36m là phải xả rồi, nhưng nếu không xả phải được sự đồng ý của Ban chỉ huy PCLB tỉnh”.

Chiều 14-9, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đã có công điện gửi Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho biết: lúc 9 giờ ngày 14-9, mực nước đang ở mức cao 21,89 m (vượt trên đỉnh van 1,09m), cao hơn mực nước dâng bình thường là 1,53m) và diễn biến lũ còn phức tạp. Công điện yêu cầu tỉnh Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước, tình trạng tràn xả lũ và bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị kịp thời xử lý khi có tình xuống xấu xảy ra. Kiểm tra, rà soát khu dân cư phía hạ lưu đập, chủ động sơ tán dân khi hồ xả lũ. Công điện cũng yêu cầu “tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm việc vận hành hồ Yên Mỹ không đúng quy trình”, đồng thời “chấn chỉnh không để xảy ra tình huống tương tự, đảm bảo an toàn cho các công trình hồ chứa trong mùa mưa lũ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.