Là chủ nhiệm lớp 10B2 trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa), thầy Hoàng Ngọc Tứ chia sẻ: “Buồn lắm, không còn tâm trạng để dạy khi nhìn lớp vắng học sinh. Thầy cô phải tự động viên nhau đứng lớp”. Đầu năm học, thầy Tứ nhận lớp với 43 học sinh, nay chỉ còn 33. Nhiều bàn trong lớp không có em nào ngồi.
Nhiều lớp khác tại trường A Túc đều có học sinh nghỉ học giữa chừng. Thầy Lê Trung Nhã cho biết, sau mỗi kỳ nghỉ dài như hè, Tết, giáo viên phải lặn lội đến nhà học sinh để vận động trở lại trường. “Nhiều em nhà xa trường đến 15 km, chúng tôi vẫn vượt đèo dốc đến thuyết phục. Nhưng khi thấy bóng dáng giáo viên, học trò bỏ chạy, còn phụ huynh từ chối gặp mặt”, thầy Nhã nói.
Kết quả những lần vận động thường không cao vì các em chỉ đi học vài buổi rồi lại nghỉ. Địa hình đồi núi phức tạp, đi lại vất vả nhưng không nhận được sự hợp tác từ phụ huynh khiến nhiều giáo viên nản chí.
Tính toàn trường A Túc, chỉ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có 20 học sinh nghỉ học, trong khi tính cả học kỳ I là 39 em. Nguyên nhân được các thầy cô đưa ra là các em bị mất gốc, lên lớp trên không hiểu bài nên chán nản, kinh tế gia đình khó khăn, nhà ở quá xa trường. Tình trạng tảo hôn, phụ huynh không quan tâm đến việc học của con em cũng là lý do khiến học sinh bỏ học.
Trong khi đó, học sinh vùng cao đi học được miễn học phí, miễn tiền xây dựng, được nhà nước trợ cấp 15 kg gạo/tháng.
Vợ chồng ông bà Hồ Thưa và Hồ Thị Lài vì nghèo khó, ốm đau nên phải cho con trai nghỉ học. Ảnh: Hoàng Táo
Trong căn nhà thưng nứa lỗ chỗ vệt nắng ở thôn A Mo Rơ, xã A Xing, ông Hồ Thưa giải thích cho con trai đang học lớp 11 nghỉ vì vợ chồng đau ốm, không có người lên nương. “Gia đình đã nhận công của hàng xóm nên giờ phải cho thằng Noi nghỉ học để trả công cho người ta”, ông Thưa nói.
Gia đình ông Thưa thuộc diện cận nghèo, làm nương theo kiểu đổi công nên khi đau ốm không thể lên rẫy, ông phải chấp nhận cho con trai trả công thay bố mẹ. Con gái đầu cũng nghỉ học khi vừa hết lớp 9 để lấy chồng vào 3 năm trước.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, sau dịp Tết Bính Thân, toàn tỉnh Quảng Trị có 94 học sinh các cấp nghỉ học. Hai huyện miền núi Đăkrông và Hướng Hóa có số học sinh bỏ học nhiều nhất, như trường THPT A Túc có 20 em, THPT số 1 và 2 Đăkrông có 58 em.
Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở Giáo dục cho hay, năm nào Quảng Trị cũng xảy ra tình trạng học sinh miền núi nghỉ học sau Tết Nguyên đán. “Ngành giáo dục xác định đây là trách nhiệm nặng nề và đã làm hết sức mình. Việc học sinh nghỉ học còn cần sự vào cuộc của các đoàn thể địa phương, và trách nhiệm trước hết từ gia đình”, ông Thắm bộc bạch.
Photo: ..
“Chúng tôi đề nghị tăng chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng, dân tộc thiểu số. Nhà nước hiện có nhiều quan tâm nhưng vẫn chưa đủ, khi đời sống còn khó khăn thì bà con vẫn ít cho con đến trường”, thầy Thắm nói.
Trong khi đó, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho rằng “cần làm thay đổi nhận thức của người dân rằng việc học là trên hết” thì mới căn bản xóa bỏ được việc nghỉ học ở vùng cao.