Lớp học cho mảnh đời di trú

Nhóm học đặc biệt dành cho con em gia đình di dân tự do
Nhóm học đặc biệt dành cho con em gia đình di dân tự do
TP - Kỳ thực có hai lớp như vậy với 48 học sinh, học theo 5 trình độ cấp tiểu học. Hầu hết học sinh phải tham gia lao động kiếm tiền nên ngoài một buổi trên lớp, thời gian còn lại trong ngày của các em trôi qua trên đường phố hoặc trong các khu chợ ở Hà Nội.
Nhóm học đặc biệt dành cho con em gia đình di dân tự do
Nhóm học đặc biệt dành cho con em gia đình di dân tự do . Ảnh: Quý Hiên

Những mảnh đời di trú

Đổng Thị Ngọc (sinh năm 2001) làm nghề bán kẹo cao su dọc phố Phùng Hưng. Cô bé ăn mặc khá sạch sẽ nhưng bàn tay có móng dài lem nhem. Bố mẹ bỏ nhau, Ngọc theo mẹ và chị lên Hà Nội sống từ hơn nửa năm nay.

Tuổi thơ của cô bé tưởng như rơi vào ngõ cụt, thất học như chị gái của mình nếu như không có một người quen mách cho địa chỉ Trung tâm Mái ấm 19/5, phố Nghĩa Dũng, quận Ba Đình. Hằng ngày, Ngọc đi bán kẹo vào buổi chiều và tối, còn buổi sáng đi học. bán hàng được bao nhiêu tiền Ngọc mang về hết cho mẹ.

“Mẹ cháu bảo là cần phải có tiền thuê nhà, mua quần áo... Cháu mong sao học được hết lớp 5, không như chị của cháu chỉ học đến lớp 3”, Ngọc chia sẻ. Khi được hỏi hết lớp 5 có học tiếp không, Ngọc ngơ ngác một lúc rồi lắc đầu: “Cháu không biết, nhưng cháu thích được đi học”.

Lớp học của Ngọc có 23 học sinh lớp 3, 4, 5, do cô giáo Lê Mai Phương phụ trách. Ngọc là học sinh nhóm lớp 4. Đến mỗi buổi học, cô Phương dùng phấn kẻ hai đường thẳng dọc chia chiếc bảng làm ba phần, mỗi phần là nội dung bài học của mỗi lớp.

Chúng tôi vào lớp của Ngọc trong giờ giải lao. Ngọc cùng một số học sinh nữ khác ngồi ôn bài - giúp các em là Hạnh, sinh viên trường ĐH Hà Nội.

Theo các cô giáo Lê Mai Phương và Nguyễn Thu Hồng, có tiền thuê trọ như mẹ con Ngọc là thuộc diện khá so với hoàn cảnh những học sinh khác trong trung tâm. Nhiều em sinh ra và lớn lên trên những chiếc thuyền lênh đênh giữa sông Hồng.

Vũ Văn Mạnh (sinh năm 1997) là một trường hợp như vậy. Hiện tại Mạnh học lớp 2 do cô Hồng dạy. “Mạnh cứ học được ít hôm lại nghỉ vài tháng do gia đình dời thuyền đến chỗ khác mưu sinh, thành thử trầy trật mãi mới xong lớp 1” , cô Hồng cho biết.

Trong sổ của cô Phương và cô Hồng, mỗi dòng ghi chú tên học sinh tuy ngắn ngủi nhưng đủ nói lên nỗi bất hạnh: “Bố mẹ đi tù, ở với bà ngoại”; “Bố đi tù, mẹ đi tù vừa ra tù thì mất, ở với bà ngoại”; “Bố mất, mẹ bỏ đi, ở với cô”.

Từng cô giáo trẻ bỏ đi...

Cô Phương và cô Hồng bằng tuổi nhau (cùng sinh năm 1962), lần lượt về làm việc tại Mái ấm 19/5 trong hai năm 1997, 1998 - thời kỳ đang phát triển của trung tâm. Hai cô đều xuất thân là giáo viên mẫu giáo nhưng rồi tình thế đưa đẩy, các cô từ “trông trẻ” thành “dạy trẻ”.

Khi Mái ấm 19/5 tham gia dự án của các tổ chức phi chính phủ, hoạt động của trung tâm khá sôi nổi. Các cô giáo được dự lớp tập huấn chuyên môn sư phạm và công tác xã hội. Hồi đó, Hà Nội chưa thực hiện chính sách giải quyết nạn trẻ em lang thang nên có những lúc trung tâm tập hợp được hàng trăm học sinh.

“Bọn mình không chỉ dạy mà còn phải đến từng nhà trọ vận động bố mẹ các em để các em được đi học. Nhiều người đồng ý cho con đi học rồi nhưng đến bữa thấy hết tiền ăn là đến trung tâm gọi con về đi kiếm tiền. Bọn mình lại gặp từng người để tỉ tê, mong họ cố gắng dành cho con mỗi ngày trọn vẹn một buổi đến trường”, cô Hồng kể.

Một học sinh được các cô Mái ấm 19/5 vận động đi học vừa vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp là Tâm. Cách đây 7 - 8 năm, trong một lần xuống các khu nhà trọ ở tổ 7 cụm 2 phường Phúc Xá (quận Ba Đình) vận động trẻ lang thang kiếm ăn trên phố đi học, các cô gặp Tâm, lúc đó 10 tuổi, chuyên ăn xin và nhặt rác.

Không chỉ thuyết phục được Tâm đi học, các cô còn chuyển hóa Tâm từ một cô bé lỳ lợm, ngỗ ngược, hoang dã thành học trò giàu tình cảm, lễ phép. “Học xong lớp 5, Tâm được một tổ chức xã hội cho đi học nghề. Vừa rồi Tâm đến khoe đã được một doanh nghiệp trong Nam tuyển dụng, lương 3 triệu đồng/ tháng, cao gấp đôi lương các cô đấy nhé!”.

Nhiều học trò xem như thành đạt nếu so với xuất phát điểm của các em. Người được nhắc đến nhiều có Hồng, học xong Trung cấp Tài chính Kế toán, đang làm quản lý một nhà hàng giải khát ở Hà Nội; có Tài Nam, hiện là bí thư Đoàn Trung tâm GDTX quận Ba Đình, hạt nhân trong nhiều phong trào xã hội của trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Tuy nhiên, vẫn còn những học sinh ra khỏi Mái ấm 19/5 không thoát khỏi định mệnh, luẩn quẩn trong vũng lầy của gia đình mình. Trong số học sinh lớp 1 hiện có cháu G. Bố mẹ G. từng là học sinh của trường. Khi G mới được hai tuổi, bố cháu đi tù vì tội cướp taxi, mẹ cháu lấy người khác, rồi cũng lại đi tù vì bán ma tuý. G. hiện ở với ông bà nội.

Vì nhiều nguyên nhân, quy mô của Mái ấm 19/5 thu hẹp dần. Hiện chỉ còn lại 2 cô giáo và một cô bảo mẫu. Với mức lương 1,5 triệu đồng/ tháng (trừ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế chỉ còn 1,380 triệu đồng), cô Hồng, cô Phương không biết lý giải thế nào về sự gắn bó với trung tâm.

“Các cô giáo trẻ đều đã bỏ đi. Có cô về thử việc được vài tháng là vội vã ra đi. Chỉ còn hai cô giáo “già” trụ lại. Có lẽ vì chúng tôi may mắn không phải lo lắng chuyện kinh tế gia đình nên chưa nỡ bỏ đi. Nhưng giờ chúng tôi gần 50, sức khỏe và lòng nhiệt tình cũng cạn dần, chưa biết còn trụ lại được đến bao giờ!”, các cô lý giải.

Trung tâm Mái ấm 19/5 là món quà của nhạc sĩ Thanh Tùng xây tặng trẻ em lang thang cơ nhỡ, mồ côi Hà Nội từ những năm 1992 - 1993. Hiện Mái ấm 19/5 là đơn vị trực thuộc Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội quận Ba Đình. Ngoài dạy học cho con em gia đình di dân tự do, Mái ấm 19/5 còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt học tập lên cấp cao hơn cho những em thuộc quân số của trung tâm. 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Gianni Infantino.
U23 Indonesia bất ngờ có cơ hội tham dự Olympic Paris 2024
TPO - Tại đại hội diễn ra ở Bangkok (Thái Lan) vào thứ Sáu vừa qua, chủ tịch Chủ tịch Gianni Infantino cho biết FIFA chuẩn bị đưa ra phán quyết về lệnh cấm dành cho LĐBĐ Israel. Nếu lệnh cấm được thi hành, U23 Indonesia có thể sẽ góp mặt ở vòng bảng bộ môn bóng đá Nam tại Olympic Paris 2024.