Lợi ích giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi

Giáo dục sớm sẽ kích thích não bộ, phát triển tư duy của trẻ
Giáo dục sớm sẽ kích thích não bộ, phát triển tư duy của trẻ
TP - Giáo dục sớm ở trẻ giúp kích thích não bộ, đẩy lùi được khuyết tật thai nhi là vấn đề được chuyên gia đánh giá tại hội thảo do Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người (IPD) phối hợp các đơn vị tổ chức ngày 17/10, tại Hà Nội. 

Đã có 3 huyện ở Thanh Hóa, Hà Nội thí điểm mô hình Câu lạc bộ gia đình giáo dục trẻ sớm thu hút được hàng nghìn bà mẹ có con nhỏ tham gia.

Ai cũng có thể trở thành giáo viên

Trong một khán phòng lớn, các bà bầu, bà mẹ có con nhỏ hay các cặp vợ chồng chuẩn bị sinh con chăm chú dõi theo từng động tác hướng dẫn của các chuyên gia về chăm sóc, giáo dục sớm ở trẻ.

Ở một khán phòng khác, từng bà mẹ hân hoan tập thực hành việc dạy con, tổ chức trò chơi cùng con. Đó là các buổi sinh hoạt ở địa phương, các chuyên gia giúp các gia đình giáo dục sớm cho trẻ dưới 3 tuổi. 

Theo khảo sát của IPD, các gia đình hiện nay mới chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, chưa chú trọng đến giáo dục nhận thức cho con. Hầu hết phụ huynh được hỏi đều cho rằng, vì bận rộn nên đành gửi trẻ cho giúp việc, nhờ ông bà trông giúp hoặc phó mặc cho trường mầm non. Nhiều người còn có tâm lý, “trẻ con biết gì” hay quan niệm việc dạy kiến thức là trách nhiệm của nhà trường.

PGS. TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng IPD cho rằng, việc trẻ được giáo dục sớm có ý nghĩa rất quan trọng tới sự phát triển thể chất, trí tuệ những năm sau này. Bởi theo nghiên cứu, não bộ của trẻ phát triển nhất ở giai đoạn 6 năm đầu đời. “Việc giáo dục sớm trẻ em hiện đã có hơn 200 quốc gia, lãnh thổ hưởng ứng, họ ủng hộ việc bắt đầu giáo dục trẻ từ khi còn là bào thai”, ông Kỳ Anh nói.

Một chuyên gia chia sẻ, hiện nay ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM không ít bà mẹ trẻ tự lên mạng mò mẫm các phương pháp giáo dục sớm cho trẻ từ các nước phương Tây.

Ngay từ khi con ra đời, các mẹ trẻ đã mua bảng chữ, hình con vật ngộ nghĩnh thậm chí các con số dạy con hằng ngày, mỗi ngày ít phút để con ghi nhớ dần dần. Nhiều bà mẹ đã tin rằng, việc giáo dục sớm sẽ kích thích não bộ của trẻ.

Từ thực tế đó, IPD phối hợp các đơn vị đưa mô hình CLB gia đình giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi về 3 huyện của tỉnh Thanh Hóa và Hà Nội, sau nửa năm triển khai hầu hết các địa phương đều rất hài lòng. Các địa phương được áp dụng thử giáo trình do các chuyên gia hàng đầu của IPD và các đơn vị soạn thảo với các nội dung giúp trẻ phát triển tư duy, trí tuệ, kích thích não bộ, phát triển âm nhạc, phát triển vận động…

Chị Đỗ Thị Trà, Chủ tịch hội phụ nữ thị trấn Trâu Quỳ, Hà Nội, chia sẻ, huyện có 630 trẻ em dưới 3 tuổi trong đó có 350 em đã đến trường.Các chuyên gia đã về địa phương để tập huấn cho phụ huynh, giáo viên mầm non các trường.

Liền sau đó, các buổi sinh hoạt hướng dẫn phụ huynh dạy trẻ tại gia đình như: Giúp trẻ khám phá thế giới, phát triển ngôn ngữ qua bảng chữ, dạy trẻ nhận biết màu sắc, hình khối… Điều đặc biệt, sau khi tham gia chương trình các phụ huynh đều cho rằng, với phương pháp này, ai cũng có thể trở thành cô giáo, thầy giáo của trẻ và dạy trẻ mọi nơi. 

Chị Trà nói thêm, sau một thời gian, đem so sánh một đứa trẻ tự loay hoay với đống đồ chơi khác biệt một đứa trẻ được người lớn dạy dỗ. Đứa trẻ được dạy nhận biết rất nhanh và ghi nhớ giỏi hơn trẻ không được dạy dỗ.

Đại diện xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ sự bất ngờ khi chủ đề đưa ra thu hút được khá nhiều phụ huynh quan tâm. Đơn vị này thông tin, mỗi buổi sinh hoạt có tới 500 người tham gia, các tình nguyện viên đã làm việc cật lực để hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm giáo dục trẻ. 

Mô hình cũng đánh giá cao việc giáo dục sớm của trẻ ở các trường mẫu giáo, mầm non. Tuy nhiên, hiện nay số trẻ đến trường dưới 3 tuổi mới đạt khoảng 23%, hằng năm có tới 3 triệu trẻ dưới 3 tuổi không được hưởng quyền lợi học tập ở trường mầm non.

PGS. TS Dương Xuân Đạm, Phó chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, việc giáo dục trẻ em sớm từ khi còn bào thai còn có khả năng chữa được khuyết tật cho trẻ.

Bà mẹ trẻ áp dụng phương pháp kích thích thị giác bằng cách quan sát và hướng dẫn trẻ quan sát sẽ kích thích não bộ phát triển, trẻ có thể hoàn thiện được dị tật ống thần kinh.

Cũng theo PGS, tỷ lệ trẻ khuyết tật hiện nay khá cao, chiếm tới 6,7% do nhiều nguyên nhân như: Nhiễm độc thai nghén, mẹ dùng thuốc, chấn thương…

MỚI - NÓNG