Đổi mới giáo dục phải chú trọng cả dạy chữ, dạy người

TPO - Sáng 27/9, phát biểu tại Phiên họp Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và một số đại biểu nhấn mạnh “đổi mới giáo dục cần phải kết hợp, chú trọng cả dạy chữ và dạy người”.

Đổi mới toàn diện

Báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hộ, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, Đề án nêu rõ, năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới đồng thời ở tất cả các lớp tiểu học; bắt đầu triển khai cuốn chiếu theo lớp ở cấp trung học cơ sở (từ lớp 6 đến lớp 9) và cấp trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12)” – Báo cáo Chính phủ.

Chính phủ xác định, mục tiêu của đề án phải tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục; góp phần quan trọng vào việc xây dựng con người Việt Nam có năng lực và phẩm chất tốt, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam.

“Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông phải góp phần thực hiện được mục tiêu cốt lõi, căn bản của đổi mới giáo dục là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng phát triển toàn diện, hài hoà phẩm chất và năng lực học sinh; từ nền giáo dục nặng về dạy chữ, ứng thí sang nền giáo dục thực học, thực nghiệp.

Đổi mới toàn diện từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực người học” – Ông Luận nói và cho biết Chính phủ đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của cơ quan thầm tra là Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Chương trình mới xây dựng theo một chỉnh thể thống nhất, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12; được thiết kế theo hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông). Các môn học sẽ được tích hợp để giảm tải, giảm kiến thức hàn lâm, giảm số lượng môn học bằng cách lồng ghép những nội dung gần nhau của nhiều môn học vào cùng một lĩnh vực hoặc bổ sung, phát triển môn học tích hợp đã có trong chương trình hiện hành tạo thành môn học mới.

Về kinh phí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Cơ quan thẩm tra xây dựng khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ tập huấn giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Thiết bị dạy học không cần bổ sung nhiều, có thể dùng nguồn kinh phí chi thường xuyên hằng năm; kinh phí xây dựng cơ bản sẽ được Thủ tướng Chính phủ bố trí ở các đề án khác theo chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 29. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là 778,8 tỷ đồng.

Quan trọng dạy người

Chương trình mới sẽ phân hoá mạnh ở trung học phổ thông bằng hình thức dạy học tự chọn theo định hướng: Kết thúc cấp trung học cơ sở là học sinh đã hoàn thành giáo dục cơ bản; lên trung học phổ thông học sinh được học phân hóa mạnh gắn với định hướng nghề nghiệp.

Mỗi học sinh chỉ học ít môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, còn lại tự chọn môn học và chuyên đề học tập theo sở trường và nguyện vọng của cá nhân trong giới hạn khả năng đáp ứng của nhà trường. Hướng tới việc tổ chức dạy học theo tín chỉ; xét kết quả, chuyển đổi giữa các bậc học, các chương trình giáo dục bằng cách tích lũy tín chỉ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lưu ý, cần thay đổi cách dạy học truyền thụ kiến thức một chiều bởi nó đang giết chết sự sáng tạo của học sinh phổ thông, đồng thời phải giảm tải.

“Cha mẹ muốn con em có sách tham khảo nhưng thảo khảo như thế nào? Chúng ta muốn cái cặp các em nhẹ đi, thực tế càng ngày càng nặng lên, tôi rất dị ứng với chữ nhiều bộ SGK. Ngoài sách cơ bản, sách thảo khảo như thế nào được phải làm rõ ràng” – Ông Hiển băn khoăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh, cần chú trọng tới nội dung dạy người. Hồi xưa chúng tôi học lớp 12, về nhà thấy cha mẹ có khách là khoanh tay chào. Đấy là văn hóa ứng xử tối thiểu, nay chỉ còn thấy trẻ em cấp một còn chào hỏi như thế. Lên cấp hai là không chào nữa, dường như càng học cao các em càng không tôn trọng người lớn. Những giá trị văn hóa tốt đẹp của chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm, giữ gìn.

“Tôi đọc qua đề án thấy chỉ phảng phất chứ chưa thấy chú ý đến giáo dục lịch sử của dân tộc. Bây giờ có suy nghĩ cứ có tiền là mình đi đâu ở cũng được. Một bộ phận con cán bộ đi học nước ngoài là để đi khỏi Việt Nam. Có cái gì đó chưa ổn trong giáo dục lịch sử ở bậc phổ thông, chưa khơi dậy được lòng tự hào dân tộc cho các em?” - Ông Phước băn khoăn.

Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, mục tiêu của đề án là rất cao, từ ngữ quá mạnh, nghị quyết quá mở, nhưng nội dung thì rất khó hiểu. Các ĐB cũng cho rằng vấn đề quan trọng là SGK nhưng còn nhiều vấn đề phải bàn, ví dụ vấn đề thẩm định SGK có còn để cơ chế xin - cho nữa không, cơ chế biến soạn ra sao!?

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đề án này chuẩn bị khá công phu, nhưng tôi thấy cũng còn một số băn khoăn. Điều quan trọng là đầu ra – sản phẩm đầu ra là con người như thế nào, rất quan trọng. Nội dung chương trình, SGK phải chuẩn bị kỹ lưỡng, phải gắn kết giữa dạy học với thi cử.

“Lần này Quốc hội sẽ ra nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa, nghị quyết phải nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung, điều kiện tổ chức thực hiện, phải rất cụ thể để đại biểu quốc hội cho ý kiến, thảo luận” – Chủ tịch Quốc hội chốt lại.

“Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là 778,8 tỷ đồng, trong đó phần kinh phí ngân sách Trung ương là 504,4 tỷ đồng, phần kinh phí ngân sách địa phương là 274,4 tỷ đồng. Dự toán kinh phí này đã được Bộ Tài chính thẩm định (Công văn số 13456/BTC-HCSN ngày 24/9/2014 của Bộ Tài chính)” – Báo cáo Chính phủ

MỚI - NÓNG