Lời hứa là danh dự, phải thực hiện

Sinh viên trường ĐH Sư phạm chờ đến lượt bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 10, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
Sinh viên trường ĐH Sư phạm chờ đến lượt bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 10, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Như Ý.
TP - Trò chuyện với Tiền Phong, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc đông đảo cử tri tham gia đi bầu cử thể hiện sự kỳ vọng và niềm tin lớn lao vào những đại biểu cơ quan dân cử. Do đó, sau khi kết quả được công bố, những người trúng cử cần phải khẩn trương biến lời hứa thành việc làm cụ thể để đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin mà cử tri đã gửi gắm.

Lời hứa là danh dự

Trong cuộc bầu cử này, hàng chục triệu cử tri đã thể hiện trách nhiệm rất cao đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thông qua việc đi bỏ phiếu bầu ĐBQH và HĐND. Vậy theo ông, tới đây những người trúng cử sẽ phải làm gì để đền đáp lại sự tín nhiệm đó?

Trong kỳ bầu cử này, hầu hết cử tri đều trực tiếp tham gia lựa chọn những người xứng đáng đại diện cho mình vào các cơ quan dân cử. Qua theo dõi, tôi thấy, có rất nhiều địa phương, đến đầu giờ chiều tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đã đạt 99% - 100%. Điều đó chứng tỏ rằng, cử tri rất quan tâm và rất có trách nhiệm trong việc xem xét, lựa chọn những ứng cử viên sẽ đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình tại các cơ quan dân cử  trong 5 năm tới.

Vì thế, những người trúng cử trong cuộc bầu cử lần này, trước hết phải ghi nhớ và phải có trách nhiệm cao trong việc thực hiện lời hứa, những cam kết mà mình đã đưa ra trong quá trình tiếp xúc vận động bầu cử. Lời hứa là danh dự, lời hứa là thiêng liêng nên đã hứa thì phải thực hiện. Và ngay sau khi kết quả bầu cử được công bố, những người trúng cử  QH và HĐND các cấp phải bắt tay ngay xây dựng chương trình hành động để thực hiện lời hứa. Ví dụ như đã hứa với cử tri là không tham nhũng, đấu tranh quyết liệt chống tham nhũng thì phải có những hành động cụ thể như thế nào để thực hiện điều đó.

Đã hứa với cử tri là sẽ  đề xuất đổi mới, thúc đẩy phát triển kinh tế thì sẽ có những hành động, những kiến nghị gì đối với QH, với Chính phủ, với HĐND… Hay như đã hứa phát huy dân chủ thì dân chủ ở đây là những cái gì? Có kiến nghị QH để trong nhiệm kỳ này đưa một vấn đề nào đó ra trưng cầu ý dân không? Bởi dân chủ phải thể hiện ra bằng những việc làm cụ thể, chứ không chỉ chung chung. Lời hứa là rất quan trọng nhưng theo tôi hành động để thực hiện lời hứa đó còn quan trọng hơn.

Theo ông, cần phải có những cơ chế gì để giám sát và buộc các đại biểu phải thực hiện lời hứa một cách có hiệu quả?

Đây cũng là vấn đề mà cử tri rất băn khoăn trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua, vì không biết giám sát bằng cách nào cho hiệu quả. Do đó, tôi cho rằng, phải bổ sung các quy định là, hàng năm, đại biểu các cơ quan dân cử khi đi tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp phải báo cáo rõ ràng về việc thực hiện lời hứa. Đồng thời phải xây dựng cơ chế để Mặt trận Tổ quốc các cấp có trách nhiệm giám sát hoạt động của các đại biểu. Mặt trận Tổ quốc cũng phải có trách nhiệm đưa ra nhận xét và đánh giá việc thực hiện lời hứa cũng như thực hiện nhiệm vụ của từng đại biểu QH, HĐND các cấp theo hàng năm. Như thế cử tri sẽ biết rõ đại biểu nào thực hiện tốt, đại biểu nào không để mà chất vấn, kiến nghị.

Lời hứa là danh dự, phải thực hiện ảnh 1

Ông Vũ Mão.

Đổi mới mạnh mẽ

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 đã xác định những nhiệm vụ hết sức quan trọng của nhiệm kỳ này là phải tiếp tục đổi mới đồng bộ kinh tế và chính trị. Vậy, kỳ bầu cử này có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình thực hiện đường lối đổi mới đó, thưa ông?

Đầu năm nay, chúng ta đã Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và tổng kết 30 năm đổi mới. Qua đó thấy rằng, sau 30 năm đổi mới chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…  Nhờ đó mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều lĩnh vực chúng ta đã đứng vào tốp đầu của thế giới về xuất khẩu.

“Những người trúng cử trong cuộc bầu cử lần này, trước hết phải ghi nhớ và phải có trách nhiệm cao trong việc thực hiện lời hứa, những cam kết mà mình đã đưa ra trong quá trình tiếp xúc vận động bầu cử. Lời hứa là danh dự, lời hứa là thiêng liêng nên đã hứa thì phải thực hiện”.   

Ông Vũ Mão

Tuy nhiên, đổi mới về chính trị thì cảm giác chung của nhiều người là diễn ra còn chậm. Do đó, thông qua kỳ bầu cử này, cử tri cũng mong muốn và đòi hỏi các đại biểu cần phải phát huy hơn nữa tinh thần của 30 năm đổi mới, đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế, tồn tại. Về lĩnh vực kinh tế thì phải đổi mới, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân mạnh mẽ hơn. Làm sao kinh tế phải  phát triển có chiều sâu, không để mãi tình trạng đời sống người dân ở mức thu nhập trung bình thấp…

Còn về chính trị, tổ chức bộ máy phải đổi mới hệ thống sao cho hoạt động có hiệu quả. Các đại biểu lần đầu trúng cử cũng cần nghiên cứu, xem lại các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII vừa qua để đề ra các giải pháp giải quyết những bức xúc, trăn trở mà các đại biểu khóa trước gửi gắm.

Sau cuộc bầu cử lần này, đại biểu trúng cử sẽ thay mặt cử tri để thảo luận, bỏ phiếu kiện toàn tổ chức, bộ máy và nhân sự của các cơ quan dân cử, bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội để các đại biểu đưa ra các quyết định đúng đắn nhằm tinh gọn bộ máy?

Đúng là như thế. Tại Đại hội lần thứ 12 vừa qua, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, bộ máy các cơ quan nhà nước còn cồng kềnh, trùng lắp, hiệu quả làm việc chưa cao. Cùng với đó, còn có một bộ phận cán bộ có biểu hiện vô cảm, tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân và doanh nghiệp. Đây là những tồn tại rất lớn mà các đại biểu ở các cơ quan dân cử phải đấu tranh, đề ra những giải pháp ngăn chặn có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, thời gian qua chúng ta đã có nhiều giải pháp nhằm tinh gọn bộ máy như việc tách, nhập các bộ ngành lại với nhau. Tuy nhiên, do chưa được tính toán kỹ về chức năng nhiệm vụ, cách thức hoạt động nên hiệu quả đạt được chưa như mong muốn.

Đặc biệt, có những lĩnh vực, do chức năng, nhiệm vụ chưa được quy định rõ ràng nên có đến ba, bốn bộ quản lý, dẫn đến trùng lắp, không rõ trách nhiệm. Một số bộ thì lại ôm đồm quá nhiều doanh nghiệp Nhà nước nên thời gian vẫn tập trung quá lớn vào chỉ đạo, lãnh đạo doanh nghiệp, chứ chưa chú tâm xây dựng phương thức kiến tạo để quản lý, điều hành. Nhiều đơn vị mặc dù tinh giản biên chế, đầu mối, nhưng lại thành lập ra quá nhiều tổng cục, rồi lại bổ nhiệm quá nhiều cấp phó nên không thực hiện được mục tiêu đã đề ra… 

Do đó, trong kỳ họp đầu tiên QH, HĐND các cấp, trước khi quyết định nhân sự, QH, HĐND các cấp cần dành thời gian để thảo luận về cơ cấu tổ chức bộ máy của Nhà nước, Chính phủ, UBND các cấp… Thảo luận để làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự trùng lắp, cồng kềnh, thiếu hiệu quả của bộ máy là do đâu. Từ đó đề ra các giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán trên.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG