Lộc thánh, lộc đời

Lộc thánh, lộc đời
TP - Dù đã được tổ chức nhiều năm, nhưng khi dự Lễ Khai ấn đền Trần Nam Định năm nay chúng ta vẫn bắt gặp những cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp, cướp ấn, ném tiền.

Và nếu ai từng dự lễ hội Khai ấn đền Trần sẽ không khỏi rùng mình khi thấy những hàng rào sắt, những lưới b40 bủa vây khắp nơi, tầng tầng, lớp lớp. Cùng với đó là sự bố ráp chặt chẽ của các lực lượng chức năng, chia các điểm, các vòng, vị trí bảo vệ… không khác gì trận địa, lô cốt.

Theo đúng lịch trình ban tổ chức thông báo rộng rãi từ 21h tới 23 giờ 55 phút đêm 14 tháng Giêng, tức thời gian diễn ra các nghi lễ chính của lễ Khai ấn hoàn toàn không có người dân mà chỉ có quan chức địa phương, trung ương và lực lượng bảo vệ tham dự. Chỉ đến khi kết thúc phần nghi lễ đặc biệt này người dân mới được “tháo khoán” để tiếp tục hành lễ.

Nhưng rồi những điều phản cảm của lễ Khai ấn như ném tiền, chen lấn, cướp lộc lại bắt đầu từ những chính khách mời dự lễ chứ không phải từ những người dân hành hương. Trong số họ có cả công chức, viên chức, những người được coi là công bộc của dân.

Chính vì vậy PGS.TS Lương Hồng Quang – Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật nhận định “rõ ràng quan trí có vấn đề”. PGS Quang cũng lưu ý sự tham gia quá sâu và kéo dài của cơ quan hành chính sẽ không phát huy được vai trò của chủ thể văn hóa, không đáp ứng được nhu cầu về tinh thần của người dân. Bởi các nhà nghiên cứu đã nhận định lễ hội có đặc điểm chung là sản phẩm của chính cộng đồng, sinh ra nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, không phải để phục vụ “quan quyền”.

Xưa, người đến lễ hội đều mang theo những điều mong nguyện, người cầu an, người cầu phúc, người cầu may, cầu duyên,… chính là để tâm an lành, để tĩnh lại lòng người. Nay, người ta đến lễ hội để “thưởng thức” những màn chen, lấn, xô đẩy, cướp, hay tìm cách đi cửa sau để có lộc, có ấn.

Ở nơi linh thiêng, nơi cửa thánh người ta còn cướp được, và giữa cuộc đời người ta cũng chẳng ngại gì giằng giật “lộc đời” bằng những mánh, những khóe, những chiêu, những trò...

Nhẹ là cảnh người người giẫm đạp, chen lấn, xô đẩy vào ăn miễn phí tại một cửa hàng mới mở. Nặng là khi một xe bia đổ, người ta nhảy xổ vào hôi bia trước sự van nài, bất lực của người lái xe.

Đau đớn là khi gặp cảnh tai nạn, thay vì cứu nạn nhân, một số người tranh cướp tài sản. Nhức nhối là những vụ án tham nhũng tới hàng ngàn tỷ đồng lần lượt bị phơi ra ánh sáng.

Và man rợ, rùng rợn khi VTV chiếu phóng sự về Cậu Thủy, kẻ giả danh nhà ngoại cảm để đi lừa gạt những thân nhân gia đình liệt sĩ ngày đêm cầu mong sớm tìm được thi hài của thân nhân … Lễ hội đang phản ánh cuộc sống đương đại?

MỚI - NÓNG