Loay hoay với quy định về xăng sinh học

Đại diện nhiều DN xăng dầu đầu mối cho rằng, giá xăng sinh học cần rẻ hơn khoảng 1.500 đồng/lít so với xăng A92 truyền thống mới có thể thu hút người dùng. Ảnh: Như Ý.
Đại diện nhiều DN xăng dầu đầu mối cho rằng, giá xăng sinh học cần rẻ hơn khoảng 1.500 đồng/lít so với xăng A92 truyền thống mới có thể thu hút người dùng. Ảnh: Như Ý.
TP - Từ ngày 1/12, các doanh nghiệp phải triển khai bán xăng sinh học (E5) ở 50% các cửa hàng bán lẻ  trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc triển khai bán xăng E5 RON 92 còn gặp nhiều khó khăn.

Đề nghị không nêu tên khi nói về những vướng mắc trong triển khai bán xăng E5, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đầu mối lớn khẳng định với phóng viên Tiền Phong: Các doanh nghiệp đang rất loay hoay với quy định hiện nay. Theo vị này, doanh nghiệp sẽ phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm pha chế, phối trộn xăng nhằm đảm bảo đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối (có thể tham gia bán lẻ xăng E5 từ ngày 30/11). Đến ngày 31/12/2015, 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPHCM “phấn đấu” tham gia phân phối xăng sinh học E5 đúng tiến độ theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt.

“Cần quy định bắt buộc 100% cửa hàng ở TPHCM phải bán xăng E5 như cách làm ở Cần Thơ hiện nay. Thực tế nếu cùng bán song song, xăng E5 chắc chắn sẽ không bán được. Người dân sẽ chấp nhận chọn đổ xăng A95, dù giá có cao hơn, thay vì đổ xăng E5”, ông này phân tích.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp ở phía Nam cũng cho rằng, ở nước ngoài, để hỗ trợ tiêu thụ, giá bán lẻ xăng sinh học luôn thấp hơn từ 1.500 đến 2.000 đồng/lít (tính theo tiền VND) so với xăng khoáng. Trong khi ở Việt Nam, giá xăng sinh học chỉ rẻ hơn 500 đồng/lít. Với tâm lý người tiêu dùng hiện nay, nếu chỉ 50% số cây xăng trên địa bàn TPHCM bán xăng E5, người dân sẽ chọn mua xăng khoáng thay vì mua xăng sinh học.

Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối ở khu vực phía Bắc cũng cho rằng, vướng nhất trong triển khai bán xăng sinh học nằm ở quy định “nửa vời” chỉ buộc 50% cửa hàng xăng ở trên địa bàn bán xăng E5. Với quy định này, các cửa hàng, đại lý được giao bán lẻ xăng E5 sẽ bị ảnh hưởng doanh số do người dân vẫn chọn mua xăng khoáng trong khi doanh nghiệp gặp khó trong việc không ước lượng được nhu cầu thực tế sử dụng xăng E5 để dự trữ, cung cấp cho phù hợp với nhu cầu. “Cần  quy định 100% cửa hàng phải bán xăng E5, không nên quy định chỉ 50% cửa hàng bán xăng sinh học như hiện nay”, ông đề xuất.

Buộc xe công dùng xăng E5

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, để khuyến khích tiêu thụ xăng sinh học, Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần có cơ chế giá bán nguyên liệu E100 trong nước ổn định thông qua các công cụ điều tiết như thuế nhập khẩu E100, thuế xuất khẩu sắn. Bên cạnh đó, nhà nước cần có quy hoạch lâu dài, căn bản về vùng phát triển nguyên liệu để sản xuất E100, đồng thời phân định rõ nguồn nguyên liệu cần thiết phục vụ cho sản xuất nhiên liệu sinh học và an ninh lương thực quốc gia.

“Nên tính toán giá xăng E5 phải rẻ hơn xăng A92 khoảng 700-1.000đồng/lít mới đủ sức hấp dẫn thông qua chính sách giảm thuế môi trường. Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức kinh doanh xăng E5 vì phải đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật. Mức hỗ trợ đảm bảo cho doanh nghiệp bán xăng E5 không bị thua lỗ”, đại diện VINPA đề xuất.

Theo vị này, để việc sử dụng xăng E5 phổ biến, cũng cần có cơ chế khuyến khích, thậm chí bắt buộc, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương có dùng vốn ngân sách phải sử dụng xăng E5 cho xe công vụ. Cùng đó, cần tạo quỹ khen thưởng từ nhà phân phối để khuyến khích các doanh nghiệp cũng như người lao động ở các cửa hàng xăng dầu đẩy mạnh bán xăng E5.

Tại cuộc họp giữa tháng 10 vừa qua với các doanh nghiệp đầu mối, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần làm việc với các đầu mối để tháo gỡ khó khăn về giá, về chi phí sản xuất, đảm bảo lợi ích các bên; nhưng cũng có sự ràng buộc để đảm bảo nguồn cung, tránh thiếu hụt xăng E5 trên thị trường bán lẻ.

Theo lộ trình, đến cuối năm 2015, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình tại 8 địa phương là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu bán xăng E5. Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện cả nước có 7 nhà máy sản xuất ethanol với tổng công suất 535 triệu lít/năm, đủ khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5, E10 đến năm 2016.

MỚI - NÓNG