Loạn ứng dụng khai báo y tế
Để phục vụ cho công tác phòng, chống dịchCOVID-19 cũng như truy vết, các bộ, ngành đã phát triển, đưa vào áp dụng hàng loạt ứng dụng và trang web như: Smartcity; Bluezone; Sổ sức khỏe điện tử; tokhaiyte.vn; luongxanh.drvn.gov.vn; suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.
Ngoài ra, Viettel và MobiFone cũng bắt tay xây dựng ứng dụng khai báo y tế với tên gọi nCovi (MobiFone) và Sức khỏe Việt Nam (Viettel). Theo giới thiệu của MobiFone, ứng dụng nCovi được sử dụng với mục đích khai báo y tế cho riêng đội ngũ cán bộ, nhân viên thuộc doanh nghiệp này. Nhưng thực tế, các ứng dụng này đều có tính năng khai báo toàn dân.
Ông Nguyễn Tuấn Sơn, Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc nhiều bộ, ngành, công ty…đưa ra nhiều ứng dụng nhưng cùng nội dung sẽ gây thông tin nhiễu loạn cho người dân. Người dân sẽ khó phân biệt đâu là ứng dụng chính thống đâu là ứng dụng không chính thống. Các ứng dụng được áp dụng như thế nào, đặc biệt hiện nay, một số tỉnh, thành cũng đưa ra ứng dụng khai báo y tế như các bộ, ngành đang triển khai.
|
Mắt khác, ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, tại một số cửa ngõ thủ đô như, cao tốc Hoà Bình – Hà Nội (ngã ba Làng Văn hoá các dân tộc); cầu Vĩnh Thịnh (Vĩnh Phúc –Nội Nội), cầu Trung Hà (Phú Thọ - Hà Nội), được lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội triển khai nhanh gọn. Theo đó, lực lượng CSGT dùng điện thoại quét mã QR của phương tiện, đối chiếu với CCCD, CMND hoặc GPLX là cho xe qua. Tuy nhiên, đôi khi do trời mưa, điện thoại hết pin, mạng chập chờn, cán bộ chiễn sỹ phải kiểm tra bằng phương pháp thủ công.
Anh Nguyễn. M.T ở Hoàn Kiếm chia sẻ, dù đã tiêm 2 mũi vắc - xin COVID-19, có giấy đi đường, có mã QR, nhưng nhiều chốt trên địa bàn huyện Ba Vì vẫn kiểm tra giấy tờ 1 cách thủ công. Theo anh Thắng, “việc kiểm tra giấy tờ thủ công tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là khó tránh khỏi”.
Ứng dụng Bluzone chưa đáp ứng được kỳ vọng
Trao đổi với Tiền Phong về thực trạng có nhiều ứng dụng khai báo ý tế, PGS.TS Trần Quý Tường - Cục trưởng, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, hiện có 3 ứng dụng được Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chính thức công nhận là nCovi, tokhaiyte.vn và Bluezone.
Trong đó, ứng dụng nCovi và Tờ khai y tế được triển khai hơn 2 năm, sau đó là Bluezone. “Ứng dụng Bluezone được đề xuất đưa vào với kỳ vọng truy vết, tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, ứng dụng này đến nay chưa phát huy được tác dụng như kỳ vọng.
Ông Phùng Đức Thắng – Phó cục trưởng, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho biết, hệ thống khai báo y tế của Bộ Công an được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia nên có đầy đủ thông tin của người khai báo, đảm bảo được tính chính xác của người khai báo và giúp truy vết nhanh F0, F1. Hiện ứng dụng của Bộ đang trong quá trình liên thông với các ứng dụng khai báo y tế của các bộ khác.
Tiến sỹ Tường cho hay, đối với hệ thống khai báo y tế mới đây của Bộ Công an (suckhoe.dancuquocgia.gov.vn) khá tiềm năng vì hệ thống này có nền tảng “Cơ sở dữ liệu về dân cư”, nhưng hiện vẫn đang chờ đấu nối với hệ thống chung quốc gia.
“Thực tế càng ít ứng dụng khai báo y tế càng tốt, giúp người dân dễ nhận diện, đỡ hoang mang, và cơ quan chức năng dễ thống nhất quản lý”, Tiến sỹ Tường nói.
Dù có mã QR nhưng tài xế vẫn phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính tại một số chốt kiểm dịch. Ảnh: Mạnh Thắng |