Các trường của Hà Nam và Quảng Ngãi tuyển sinh tại Đắk Lắk
Đua nhau “săn lùng” thí sinh
Mười năm trước, giai đoạn đầu của chủ trương “xã hội hóa giáo dục”, các trường nghề của những nhà giáo tâm huyết tiên phong ra đời như làn gió mới của ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu học nghề trong xã hội. Nhưng sau đó chẳng bao lâu, tình hình đã biến tướng với sự xuất hiện của đủ các loại liên kết dạy nghề, lợi dụng kẽ hở để lách luật, trốn thuế, bán bằng thu lãi khiến chất lượng đào tạo ngày càng xuống cấp, không còn đáng tin cậy .
Theo kết quả khảo sát của một cơ quan chức năng, từ năm 2010 tới nay, chỉ riêng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có tới 17 trung tâm, trường liên kết với 48 đơn vị khác tổ chức đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cho gần 33 nghìn sinh viên, học viên.
Trong đó có những nhóm “tay không bắt giặc” - hầu như không có cơ sở hạ tầng, không có bộ máy giáo viên, chỉ cần thuê mướn mặt bằng và trả lương cho vài nhân viên hành chính là thoải mái mở lớp.
Có nhóm chuyên “đánh bắt xa bờ”, ngay từ khi chưa được cấp phép hoạt động đã ngang nhiên tuyển sinh, mở lớp như trường Trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa, Trung cấp Y Dược Hà Nam, Cao đẳng Công nghiệp Kỹ thuật Quảng Ngãi, mà không bị xử phạt.
“Thời internet phủ sóng toàn cầu, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo thu thập thông tin, phân tích nhu cầu lao động của xã hội để định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, xử nghiêm các kiểu kinh doanh giáo dục, mua bán bằng cấp có gì là khó? Tại sao cứ đua nhau cấp phép, mở ngành mà không chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm?”.
Anh N.V, một doanh nhân
Điều lạ là những ngành mà các trường này chen chân lên Tây Nguyên, thậm chí len lỏi về tận các xã huyện vùng sâu chiêu sinh khuyến mãi đủ trò. Ví dụ học tin học được tặng laptop, chỉ cần điểm trung bình khá cũng có học bổng… thì hàng chục trường đào tạo chính quy trên địa bàn đều thừa sức mở, nhưng rất khó xin cấp phép.
Báo cáo của Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Lắk cho thấy năm 2013, các trường và cơ sở dạy nghề trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh chỉ tuyển được 2.636 học viên/4.880 - đạt 52% chỉ tiêu hệ chính quy, và 251 học viên/1.020 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm. Một trong những trường trong top trường nghề hàng đầu dành cho con em đồng bào các dân tộc trên cả nước, là trường Cao đẳng Nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên.
Dù các chế độ ưu đãi trong dạy, học, hỗ trợ tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ở đây khá hấp dẫn, nhưng trường tuyển sinh cũng chật vật với những nghề thiết thực lẽ ra phải thu hút rất nhiều học viên, như nghề chế biến cà phê - ca cao sau thu hoạch mở ra, rất ít thí sinh ghi danh.
Đối diện trường này, là cả dãy dài bảng hiệu quảng cáo đào tạo đủ thứ ngành nghề mập mờ lẫn lộn, khó phân biệt thật giả, đúng sai.
Tốt nghiệp đại học, đi học tiếp trung cấp, cao đẳng
Tại trường trung cấp nghề X nội thành, chứng kiến danh sách lớp trung cấp mà trường này liên kết mở theo đơn đặt hàng của một huyện cách Buôn Ma Thuột 50 km. Một điều bất ngờ là trong hơn 100 học viên của lớp, có gần 40 người đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng khác, do không tìm được việc làm, đành học tiếp sư phạm mầm non.
Tìm hiểu ở một số trường khác, vỡ lẽ ra hầu như đầu vào của trường nào cũng có nhiều thí sinh đã tốt nghiệp một hoặc vài nghề khác trước đó, thậm chí hoàn toàn trái ngành với nghề học sau. Ví dụ cử nhân Giáo dục thể chất xin học Cao đẳng Thú y, cử nhân Tài chính xin học Trung cấp Điều dưỡng, cử nhân Sư phạm xin học y tá v.v…Chưa kể tới nỗi khổ trái ước mơ, nguyện vọng ban đầu của người học, chỉ xét về sự lãng phí tài chính gia đình đã không thể tính hết.
Không ít học viên đồng bào các dân tộc thiểu số học xong trường nghề này, về buôn không có việc làm, ra phố không nơi nào nhận, lại nộp hồ sơ vào học trường nghề khác. Học bao nhiêu khóa vẫn được Nhà nước bao cấp trọn gói. Dẫu đáng mừng là các em này chịu học hành, không lêu lổng nhưng xét về lãng phí ngân sách, chẳng ai đong đếm được.
Anh N.V, một doanh nhân thường xuyên tuyển lao động nói thẳng: Loạn đào tạo kiểu này, chúng tôi không dại gì nhận người theo bằng cấp. Có vô số cách kiểm tra để lộ ngay thực lực. Kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, sự trung thực tận tụy trong cống hiến là điều quá thiếu trong lối giáo dục chạy theo thành tích hiện nay.
Thời internet phủ sóng toàn cầu, việc Bộ Giáo dục - Đào tạo thu thập thông tin, phân tích nhu cầu lao động của xã hội để định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, xử nghiêm các kiểu kinh doanh giáo dục, mua bán bằng cấp có gì là khó? Tại sao cứ đua nhau cấp phép, mở ngành mà không chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, giải quyết việc làm?