Loài hoa hướng về ánh sáng

Chị Thảo đang tư vấn HIV cho một bạn trẻ
Chị Thảo đang tư vấn HIV cho một bạn trẻ
TP - Có một loài hoa luôn hướng về mặt trời với tên gọi hoa Hướng dương. Người ta quan niệm rằng hoa Hướng dương biết tự tìm đến hạnh phúc cho riêng mình bằng nghị lực và niềm tin. Chính vì thế Câu lạc bộ (CLB) của những phụ nữ nhiễm HIV ở Điện Biên mang tên hoa Hướng dương .

 >> Chăm sóc dinh dưỡng cho người nhiễm HIV
 >> Càng kỳ thị, số người nhiễm HIV càng cao
 >> Lớp học của trẻ có 'H'

Chị Thảo đang tư vấn HIV cho một bạn trẻ
Chị Thảo đang tư vấn HIV cho một bạn trẻ.

Thảo, một cô gái Thái xinh đẹp cũng là một trong những bông hoa như thế trong CLB. Cô biết bứt mình ra khỏi bóng tối, vươn lên tìm ánh sáng, thứ ánh sáng với cô rất mong manh. Hạnh phúc và niềm vui của người đàn bà trẻ goá chồng với đứa con câm điếc là cùng chia sẻ, tư vấn cho những người cùng cảnh ở nơi lòng chảo Điện Biên...

Thân em như hạt mưa sa…

Thảo có dáng người mảnh dẻ, dong dỏng cao. Trong lớp váy dài màu đen tuyền, với chiếc xửa cóm (áo ngắn mặc phía trên váy của người Thái) màu hồng được cách tân trông Thảo đẹp và duyên dáng. Nụ cười của cô đem lại cho người khác cảm giác gần gũi và bình yên.

Thảo có vẻ đẹp đặc trưng của một cô gái Thái vùng Tây Bắc, nhưng điều làm tôi chạnh lòng khi nhìn từ phía sau: “Tằng cẩu” (búi tóc) của cô không búi lên cao mà búi hạ thấp hơn, có nghĩa... cô là gái goá chồng.

Cô hơi e ngại khi tôi cầm lấy bàn tay mềm mại, trắng tròn để muốn cùng chia sẻ nỗi mất mát thiệt thòi của người đàn bà trẻ goá chồng. Cô khẽ nói: “Em là người có “H” !”.

Tôi cùng cô bên nhau trò chuyện giữa tiếng rả rích của những ngày cuối mùa mưa miền rừng.

Lấy chồng được 5 năm, hai vợ chồng Thảo có một cô con gái 4 tuổi, nhưng cháu lại bị câm điếc bẩm sinh. Ngày chồng ngã bệnh cũng là ngày Thảo cảm thấy cuộc đời mình rơi vào vực thẳm. Một vực thẳm của sự đau đớn, nhưng đau khổ hơn bởi cả hai không tìm được nguyên nhân vì sao?

17 tuổi, Thảo gặp chàng trai xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, chân thật, khoẻ mạnh như cây lim, cây sến trên rừng. Cô đem lòng yêu người con trai ấy với tình yêu đầu tiên trong sáng, nồng nàn. Tình yêu kéo dài đến một năm sau, cô nghĩ đơn giản rằng: Học nữa cũng chẳng đi đến đâu, thôi thà rằng yên phận về làm dâu nhà anh còn hơn...

Thế là 18 tuổi, cô bỏ học theo chồng về Mường Phăng. Nhà chồng có nương rẫy, trang trại rộng thênh, chỉ cần hai vợ chồng chăm chỉ sẽ có của ăn của để. Cô con gái đầu vừa mới lọt lòng đã bị câm điếc bẩm sinh. Hai vợ chồng không nản lòng động viên nhau làm ăn rồi lấy tiền chạy chữa cho con và sẽ thắp sáng lên hy vọng...

Nhiều khi anh kêu đau đầu. Cô khuyên chồng đi khám bệnh, nhưng anh bảo đó chỉ là những bệnh cảm cúm thông thường. Đến một ngày, cơn đau đầu khiến anh vật ngã ngay trên sàn nhà. Cô cuống cuồng đưa chồng đến viện cấp cứu. Ngoài căn bệnh nấm não, bác sĩ còn thông báo với cô rằng chồng cô đã bị HIV dương tính. Cô choáng váng vô cùng. Bác sĩ khuyên cô cũng nên đi làm xét nghiệm để kiểm tra tình trạng của mình.

Ở Mường Phăng, cô cũng là một tuyên truyền viên về HIV cho bà con trong bản làng. Với những kiến thức được cán bộ y tế truyền giảng, cô đã nhiệt tình đi khắp bản để tuyên truyền cho bà con hiểu về căn bệnh HIV/AIDS, tránh sự kỳ thị với người bị nhiễm HIV.

Đắng chát, khi cô cầm kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, án tử cho cuộc đời mình trong tay. Cô ngồi lại trên băng ghế hành lang khoa Lây nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hết một buổi chiều để khóc. Lúc ấy, cô không biết phải làm thế nào để tiếp tục sống.

" Cái giếng trong vắt nước đầy ăm ắp của gia đình, hằng ngày vẫn vơi đầy tiếng cười nói làng xóm sang lấy nước, giờ bỗng thưa vắng. Mọi người tản đi lấy nước xa hơn. Người ta chẳng xì xào gì cả, chỉ có ánh mắt lành lạnh, dè chừng."

Chết lặng, cô nghĩ nếu có thể đứng lên được thì sẽ đi thẳng xuống tầng một qua lan can kia. Cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng rồi mường tượng hình ảnh đau đớn trên khuôn mặt người cha già khi ông biết hung tin đứa con trai trong tình trạng nguy kịch về sức khoẻ, lại thêm căn bệnh “ma làm”, rồi cả con dâu cũng “dính” bệnh, làm sao ông cụ trụ vững được?

Cô gạt nước mắt, cố gắng giữ cho mình giọng nói thật rắn rỏi, nghị lực để gọi điện báo tin về cho gia đình chồng. Cô gượng dậy, chủ động động viên cha mẹ già và mọi người trong gia đình.

Cô đưa chồng về nhà chăm sóc. Những ngày cuối bên nhau, cô nghe ai mách thuốc gì thì mua bằng được về đun sắc cho chồng uống. Những bát thuốc sắc đặc quánh đắng ngắt ấy mỗi lần động viên chồng uống là nước mắt cô lại chảy dài. Đó là bát thuốc đắng nhưng lại tràn đầy niềm hi vọng của cô về ngày mai...

Chồng cứ li bì mê man suốt. Cô mua thêm thuốc giảm đau cho chồng uống, rồi ở bên cạnh đỡ đần, nâng đỡ bón từng thìa cháo cho anh. Cô chỉ mong những ngày ngắn ngủi ở bên nhau, anh sẽ cảm thấy được tình yêu thương vô bờ của cô và gia đình.

Còn nguyên nhân vì sao anh nhiễm HIV thì đến giờ cô cũng không hề biết. Cô chỉ oán trách số phận mà ông trời đã dành cho cô quá nghiệt ngã. “Nếu mà chồng em là người chơi bời gái gú, nghiện hút gì thì đã đành. Đằng này, từ ngày biết nhau đến lấy nhau, anh ấy là người hiền lành, chăm chỉ, thương vợ con”.

Bố chồng cô cũng thừ người ra không biết con trai mình vì sao bị nhiễm bệnh vì chưa bao giờ ông nghi ngờ anh là kẻ chơi bời, hư đốn cả. Đúng 15 ngày sau, chồng cô mất.

Cái giếng trong vắt nước đầy ăm ắp của gia đình, hằng ngày vẫn vơi đầy tiếng cười nói làng xóm sang lấy nước, giờ bỗng thưa vắng. Mọi người tản đi lấy nước xa hơn. Người ta chẳng xì xào gì cả, chỉ có ánh mắt lành lạnh, dè chừng. Con bé nhà cô cũng thui thủi trong xó nhà cùng mẹ. Cô đưa con đi làm xét nghiệm ba, bốn lần và thở phào với kết quả âm tính.

Chồng mất, cuộc sống của hai mẹ con người đàn bà goá chống chếnh, cô đơn. Những buổi chiều mùa đông ập xuống sớm hơn nơi núi rừng âm u, càng khiến cô tê tái. Khi mặt trời khuất núi lâu rồi, trăng rừng lo ló nhú lên bàng bạc, sương lạnh tràn đầy khắp nơi, mẹ chồng cô mới vác gùi, cắt rừng từ trang trại về đến nhà. Thương con dâu, cháu nội côi cút giữa 5 gian nhà sàn rộng thênh thang, bà ngày nào cũng cố đi từ tờ mờ đất để đến tối gắng về ngủ với con cháu, trò chuyện cho đỡ buồn.

Tình yêu vá lành vết thương

Thương bố mẹ chồng, tủi phận mình, được một năm sau, cô xin phép gia đình chồng được về bên ngoại ở để tiện việc hàng tháng đi lĩnh thuốc và cho con đến trường học. Khi về thành phố Điện Biên, cô thấy cuộc sống như trở lại cân bằng với những điều bình thường. Tình yêu thương của mọi người xung quanh đã dần giúp cô lành vết thương lòng.

Ở thành phố, cô được giới thiệu đi nấu cơm thuê cho quán ăn, hoặc một số công xưởng nhỏ. Cũng có lần, cô vô ý làm tay bị chảy máu. Cô hiểu rõ mình phải làm thế nào để tránh cho những người xung quanh bị ảnh hưởng. Tuy là người mang trong mình căn bệnh thế kỷ, nhưng với ý thức của mình, cô được mọi người xung quanh tin yêu và quý mến.

Cô tình nguyện làm tuyên truyền viên trong CLB Hoa Hướng Dương từ năm 2009. Trong CLB Hoa Hướng Dương của những người đồng đẳng nhiễm HIV có khoảng 40 thành viên. Mỗi người một số phận, cảnh sống khác nhau, nhưng tình yêu thương chia sẻ giúp họ xóa đi những mặc cảm và định kiến bấy lâu tồn tại.

Họ cùng động viên nhau sống những ngày có ích, có ý nghĩa cho cuộc đời. Thỉnh thoảng về thăm cha mẹ chồng, hoặc đi làm tuyên truyền ở Mường Phăng, Thảo được bà con trên đó đón tiếp cởi mở, bởi mọi người đã hiểu Thảo, thông cảm và chia sẻ với cô nhiều hơn.

Với mức thu nhập thấp nhưng được ông bà ngoại hỗ trợ thêm, hai mẹ con cô cũng có cuộc sống tạm ổn. Bé con nhà cô giờ đã bước vào lớp 1, cháu được mang máy trợ thính và đến trường trong tình yêu thương và quan tâm của thầy cô, bạn bè. Điều ấy cũng làm cô thấy ấm lòng.

Từ cuộc sống của bản thân mình, Thảo đã trở thành một đồng đẳng viên tích cực. Cô vận động những người bị nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng HIV đến thăm khám, làm xét nghiệm để được hưởng những quyền lợi điều trị, rồi cách phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Bông hoa Hướng dương Diệu Thảo mà tôi đang kể đây, chân chất, bình dị, như muôn ngàn bông hoa Hướng dương khác, nhưng ẩn chứa trong nó là vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy chính là niềm tin, khát vọng sống. Cô đã mang niềm tin, niềm hi vọng của chính mình làm chỗ dựa tinh thần cho những người đồng cảnh ngộ. Khi con người tự ý thức giá trị của sự sống và truyền giá trị ấy cho cộng đồng, chính là lúc họ tỏa sáng để đẩy lùi bóng tối.

Điện Biên, tháng 11-2010

(*) Nhân vật trong bài đã được đổi tên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG