Các nhà khoa học giải thích trong một bài báo đăng trên tạp chí Current Biology, loài hồng tước, một loài chim nhỏ, hót rất hay của Australia, không có khả năng hiểu được “ngôn ngữ” của các loài chim khác, nhưng chúng có thể nắm vững ý nghĩa của một vài “từ” quan trọng, chẳng hạn như báo tin có kẻ thù.
Như đã biết, các sinh vật hoang dã có khả năng lắng nghe lẫn nhau để tìm manh mối về những kẻ săn mồi ẩn nấp, nghe lén một cách hiệu quả về cuộc trò chuyện của các loài khác. Ví dụ, các loài chim có thể học cách chạy trốn khi hàng xóm hét lên "chim ưng!", hoặc phát ra những tiếng kêu khi gặp nạn.
Andrew Radford, một nhà sinh vật học tại đại học Bristol cho biết: “Trước đây chúng tôi biết rằng một số loài động vật có thể dịch nghĩa của các ngôn ngữ của những loài khác, nhưng chúng tôi không biết cách chúng “học ngôn ngữ” như thế nào".
Chim có nhiều cách để có được kỹ năng sống. Một số kiến thức là bẩm sinh và một số được lấy từ kinh nghiệm trực tiếp. Radford và các nhà khoa học khác đang khám phá một loại kiến thức thứ ba: thu thập thông tin từ đồng loại.
Radford cùng các đồng nghiệp tại đại học quốc gia Australia dùng những chiếc loa nhỏ gắn trên thắt lưng, lang thang quanh Vườn bách thảo quốc gia Australia ở Canberra để tìm kiếm bầy chim hồng tước đơn độc. Họ muốn chắc chắn rằng những con hồng tước sẽ chỉ phản ứng với âm thanh mà họ chuẩn bị, chứ không phải do hành vi của các loài chim khác.
Các nhà khoa học đầu tiên mở cho những con chim nghe 2 loại âm thanh không quen thuộc: Âm thanh thứ nhất là tiếng kêu báo động của một con dẻ gai, loài chim không có nguồn gốc từ Australia. Âm thành thứ 2 là tiếng chim được tạo ra trên máy tính được đặt tên là "buzz".
Lần đầu tiên nghe thấy những âm thanh này, lũ chim hồng tước đều không có phản ứng gì đặc biệt.
Các nhà khoa học sau đó đi vòng quanh công viên và tiếp tục phát các bản ghi tùy chỉnh. Họ cố gắng luyện cho một nửa số chim để nhận ra tiếng kêu cảnh báo của chim dẻ gai, và nửa còn lại nhận ra tiếng "buzz" do máy tính tạo ra như một thông báo gặp nạn.
Họ đã làm điều đó bằng cách phát những âm thanh này, kết hợp với âm thanh mà loài chim đã nhận thức được đó là nguy hiểm, chẳng hạn như tiếng rên rỉ của loài hồng tước.
Ba ngày sau, các nhà khoa học đã kiểm tra xem lũ chim đã học được những gì, và các “học viên” của họ đều vượt qua bài kiểm tra, khi hai nhóm chim hồng tước phản ứng lại với âm thanh mà chúng đã được huấn luyện bằng cách bay đi tìm chỗ trú ẩn. Nhưng hoàn toàn thờ ơ với các âm thanh khác.
Lý giải theo cách của con người, điều này giống như một người chỉ biết tiếng Anh đã học được rằng "Achtung" có nghĩa là "chú ý" hoặc "nguy hiểm" trong tiếng Đức chỉ bằng cách lắng nghe những người nói cụm từ với ý nghĩa tương tự bằng nhiều ngôn ngữ cùng một lúc.
Trước nghiên cứu này, các nhà khoa học đã biết đôi điều về cách một con vật đoán được những điều có ý nghĩa từ các vật loài khác.