Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội:

Loại bỏ cán bộ cửa quyền, thủ tục 'lệ làng'

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, việc kỷ niệm là quan trọng nhưng chúng ta phải dành chi phí ấy cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Như Ý.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Ngô Đức Mạnh cho rằng, việc kỷ niệm là quan trọng nhưng chúng ta phải dành chi phí ấy cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Như Ý.
TPO - Phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy. Nếu không, dù quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, sự cửa quyền, thờ ơ và vô cảm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội năm 2015 và nhiệm vụ giải pháp năm 2016, nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng, ngay trong năm 2016 phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy. Nếu không, dù quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, sự cửa quyền, thờ ơ và vô cảm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tiêu còn lãng phí

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước năm 2015, các ĐB cho rằng, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm thì kết quả đạt được là hết sức tích cực. Trong đó, điểm nhấn nổi bật là GDP năm 2015 ước tăng trên 6,5%, tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được thực hiện tốt, góp phần ổn định đồng tiền và khơi thông dòng tiền đầu tư lành mạnh hóa hệ thống…

“Có nhận xét không thiện chí rằng Việt Nam là một đất nước không chịu phát triển. Nếu dám chịu chỉ trích thì chúng ta cho rằng nhận xét ấy cũng có lý của họ. Nền kinh tế với cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu, đời sống của người nông dân vẫn luôn khốn khó, ngư dân mong có tàu lớn ra biển khơi hơn một năm rồi vẫn chưa xong tàu mẫu, môi trường sống ngày càng kém, chống tham nhũng cả chục năm vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự”, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) nói.

Ý kiến đại biểu Quốc hội: Kinh tế bị khuynh đảo bởi các nhóm lợi ích

Hiện nay nền kinh tế bị khuynh đảo bởi các nhóm lợi ích. Việc cấu kết giữa người làm chính sách với đại gia đang là một mối nguy hiểm trong việc khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên. Cái nguy hiểm là chúng ta chưa có cơ chế đủ mạnh để ngăn chặn thực trạng đó.

(ĐB Huỳnh Nghĩa, Đà Nẵng) 

Đáng lưu ý, theo ông Nam, trong khi ngân sách còn khó khăn thì tình trạng lãng phí vẫn diễn ra ở nhiều nơi. “Vừa qua Chính phủ đã cho làm nhiều tượng đài và quảng trường rất hoành tráng, tốn kém, đang còn dự kiến làm thêm. Trong khi ngân sách ngày càng khó, còn nhiều người thất học, người nghèo, còn thiếu tiền để làm nhà ở cho các gia đình chính sách. Chính phủ cần báo cáo việc này với QH và sớm chấn chỉnh”, ông Nam kiến nghị.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Ngô Đức Mạnh cũng băn khoăn trước nghịch cảnh, còn rất nhiều người nghèo nhưng lại vẫn có những chương trình, công trình kỷ niệm hoành tráng. “Việc kỷ niệm là quan trọng nhưng chúng ta phải dành công sức, chi phí ấy cho sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt vùng sâu, vùng cao, nhất là cho đồng bào con em dân tộc thiểu số”, ông Mạnh đề nghị.

Một sự lãng phí nữa cũng được ĐB chỉ ra, đó là sự thiếu hiệu quả, đội vốn “khủng” xảy ra ở các công trình sử dụng vốn ODA. ĐB Lê Thị Công  (Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn chứng, Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), sau mấy năm thực hiện đã đội vốn hơn 300 triệu USD, chậm tiến độ hơn 2 năm. Tương tự, Dự án đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội có dự toán 783 triệu Euro, trong đó vốn ODA 653 triệu Euro thì đến tháng 7/2014 phải bổ sung thêm 304,99 triệu Euro vốn ODA, và tham nhũng cũng đã xảy ra, gây thiệt hại nặng cho ngân sách nhà nước. “Tâm lý coi ODA là nguồn khoản viện trợ cho không nên dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, chứ không nhận thức một cách nghiêm túc là khoản nợ phải trả trong tương lai”, bà Công phân tích.

Lãnh đạo phải hứa chống tham nhũng, lãng phí

Theo ĐB Lê Nam (Thanh Hóa), thực trạng trên có nguyên nhân  khách quan, nhưng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các ngành, các địa phương.

Cùng chung nhận định, ĐB Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) cũng cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng tham nhũng, khiếu nại, tố cáo kéo dài chính là thái độ vô cảm của một bộ phận cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Ông Tuân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương chú trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp luân chuyển cán bộ, công chức ở những ngành, lĩnh vực nhạy cảm có nguy cơ tham nhũng cao, có quan hệ trực tiếp với công dân, tổ chức và cá nhân.

Nói về quá trình hội nhập, ký kết các hiệp định thương mại, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, để thành công trong TPP, giải pháp quan trọng và cấp bách nhất đối với Việt Nam hiện nay chính là đột phá vào con người.

“Một cái lắc đầu của ông chủ tịch tỉnh, một cái xua tay của ông giám đốc, thậm chí sự chậm trễ vòi vĩnh của một anh công chức hành chính quèn thôi cũng có thể tước đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp, người dân. Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu như 63 tỉnh, thành trở thành 63 khu vực cát cứ, không có sự liên kết, phân công. Các đại biểu Quốc hội đã từng đề cập đến tình trạng “chỉ thị mồm” rằng phải sử dụng thép tỉnh nhà, xi măng tỉnh nhà, thì mới đây thậm chí người ta còn ký cả văn bản hành chính yêu cầu phải uống bia tỉnh nhà”, ông Tâm nói đồng thời khẳng định, quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu cũng vẫn có thể bị vô hiệu hóa bởi hàng tá những “lệ làng”, những thói quen, sự quan liêu, cửa quyền, sự thờ ơ và vô cảm.

Ông Tâm đề nghị việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là phải loại bỏ bằng được những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, trục lợi, yếu kém ra khỏi bộ máy.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương đề nghị, trong năm tới phải ban hành luật công vụ để loại bỏ cán bộ “ăn bám”. Loại bỏ các bộ máy trung gian, tránh loại chỗ này bổ sung chỗ khác. Đồng thời thay đổi việc tuyển chọn công chức có tính cạnh tranh, công khai minh bạch thông qua cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy. “Đề nghị những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2020 phải có lời hứa và trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng, lãng phí trước hết từ bản thân để làm gương cho người khác”, ông Đương đề nghị.

13 cháu du học, 12 cháu không về, tại sao?

Hiện nay cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt các thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài, nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu đều mong muốn trở về Việt Nam làm việc. Rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu những cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này. Ví dụ minh họa cho thấy chúng ta có 13 cháu nhận học bổng Đường lên đỉnh Olympia để đi du học nhưng sau đó có đến 12 /13 cháu ở lại nước ngoài không trở về làm việc tại Việt Nam. chúng ta có trăn trở việc này hay không?

(ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, thành phố Hồ Chí Minh)

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.