Lộ trình tăng giá nước sạch sông Đuống ra sao?

TPO - Trước đây, theo các Nghị định của Chính phủ, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội do các công ty nhà nước làm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ tháng 6/2016, thành phố đã đề nghị Chính phủ thay đổi Nghị định, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn.

Tháng 5/2019, tại Hội nghị đối thoại với công nhân Khu công nghiệp Nội Bài, khi giải đáp vấn đề khó khăn nước sạch của công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết,  thành phố đang triển khai chương trình phát triển nước sạch, cung cấp cho toàn bộ người dân, cả khu nội thành và ngoại thành.

 Để làm được điều này, ông Chung cho biết, trước đây, theo các Nghị định của Chính phủ, việc cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố do các công ty nhà nước làm. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ tháng 6/2016, thành phố đã đề nghị Chính phủ thay đổi Nghị định, mở đường cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư trên địa bàn.

Thời điểm đó, theo ông Chung, thành phố đã kêu gọi được 24 nhà đầu tư vào 28 dự án nước sạch, cung cấp hệ thống mạng lưới nước sạch trên địa bàn thành phố. Ông Chung cũng cho biết, hệ thống các nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư thêm được khoảng 400 ngàn mét khối/ngày đêm. Tỷ lệ cấp nước sạch cho vùng nông thôn đạt 55% thời điểm 31/12/2018.

“Mục tiêu đến hết 2020, thành phố sẽ phấn đấu toàn bộ khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn nước đô thị. Chúng tôi ghi nhận ý kiến và sẽ tiếp tục đôn đốc. Vấn đề chậm hiện nay là do đơn vị lắp mạng chậm chứ tổng số nước sạch của thành phố có gần 1,5 triệu mét khối/ngày đêm. Và hiện nay đang dư khoảng 150 ngàn mét khối/ngày đêm”, ông Chung nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư để hoàn thành các nhà máy nước sạch sử dụng nguồn nước mặt các con sông.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong công văn số 17/2017/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký, quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Quy định về sản xuất, cung cấp sử dụng nước sạch và bảo vệ các công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cụ thể như  khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển và quản lý hoạt động cấp nước. Các dự án đầu tư phát triển cấp nước được nhà nước khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật. UBND thành phố quyết định phê duyệt, lựa chọn đơn vị cấp nước từng địa bàn cụ thể trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư hoặc đơn vị cấp nước theo các quy định pháp luật hiện hành.

Mới đây, kết luận phiên giải trình về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn của HĐND thành phố Hà Nội cũng nêu rõ, Thường trực HĐND thành phố đánh giá, một số sở, ngành liên quan chưa kịp thời, chưa chủ động trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước, chưa tham mưu với UBND thành phố về ban hành chính sách, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có việc rà soát điều chỉnh giá bán nước, tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ sau đầu tư...

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội cũng đánh giá, ở khu vực nông thôn, nhất là các địa bàn xa trung tâm có mật độ dân cư thấp, suất đầu tư cao, việc thu hồi vốn của nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn và thời gian kéo dài...

Sau văn bản này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng ký văn bản gửi một số sở ngành, về việc thực hiện thông báo kết luận của Thường trực HĐND thành phố, yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của thành phố.

Được biết, từ tháng 2/2018, liên ngành Tài chính - Xây dựng – NN&PTNT Hà Nội đã trình kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát giá nước sạch của các nhà đầu tư trên địa bàn.

Liên ngành thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện khi chính sách Nhà nước thay đổi, giá thành sản xuất và lưu thông nước có biến động, đồng thời khi Nhà máy nước mặt sông Hồng, Nhà máy Nước mặt sông Đuống và dự án Nước mặt sông Đà giai đoạn II đi vào hoạt động, chi phí sản xuất và lưu thông nước sạch sẽ thay đổi. Do vậy, liên ngành thành phố xây dựng phương án giá nước trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh theo quy định.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tháng 7/2017, trong văn bản số 3310 của UBND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản ký, cho biết, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận đề nghị của liên Sở Tài chính – Xây dựng tại Tờ trình số 4158 ngày 30/6/2017.

Theo đó, giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án nhà máy nước mặt sông Đuống để triển khai thực hiện dự án như sau: Giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước mặt sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/mét khối (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng); Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Sau khi nhà máy hoàn thành và đi vào hoạt động cấp nước, giá nước sạch, nguyên tắc điều chỉnh giá nước sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật tại từng thời kỳ để thực hiện.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Tiền Phong đã đặt vấn đề với lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội bên lề phiên giải trình về vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây, tuy nhiên, vị này không trả lời.

MỚI - NÓNG