Sai phạm tại 11 tổ chức được Cục trồng trọt chỉ định cấp chứng nhận phân bón:

Lộ thêm nhiều điều kỳ quặc vụ cấp chứng nhận phân bón

Nông dân đang gánh hậu quả do nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, trong đó có sự tắc trách của cơ quan quản lý. Ảnh: Quang Phương
Nông dân đang gánh hậu quả do nạn phân bón giả, kém chất lượng tràn lan, trong đó có sự tắc trách của cơ quan quản lý. Ảnh: Quang Phương
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Nghiêm Phú Trường, Trưởng đoàn thanh tra vụ 11 tổ chức từng được Cục trồng trọt chỉ định cấp chứng nhận chất lượng phân bón (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, quá trình kiểm tra phát hiện những điều kỳ quặc: Người không có chuyên môn vẫn biết đánh giá; Cục Trồng trọt làm việc chưa khách quan…

Làm “sạch” Cục Trồng trọt?

Ông Trường cũng thông tin, Bộ trưởng NN&PTNT đã yêu cầu làm rõ và xử lý đúng người, đúng tội, sai đến đâu xử đến đó, không bao che, dung túng, nể nang. Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo Thanh tra Bộ, Cục Trồng trọt phải “xốc” lại đội hình và “làm sạch” đội ngũ quản lý trong lĩnh vực phân bón. Trong đó, giao cho Vụ tổ chức cán bộ của Bộ kiểm điểm xử lý với các cán bộ thuộc diện Bộ quản lý; hướng dẫn và yêu cầu Cục Trồng trọt kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, áp dụng các hình thức kỷ luật với các công chức, viên chức vi phạm.

Ông Trường cho biết, hiện Cục Trồng trọt đã tạm dừng việc chỉ định cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 11 tổ chức nói trên. Dựa trên những sai phạm, Thanh tra Bộ sẽ xử lý vi phạm hành chính với 11 tổ chức trên, sai đến mức nào xử phạt đến đó.

“Không có chứng chỉ về phân bón, nông nghiệp, đi học cấp tốc lấy chứng chỉ trong thời gian ngắn, chỉ đủ để nhận thức, nhận biết về phân bón mà coi đó là chuyên gia đánh giá sẽ dẫn đến hậu quả lớn”.

Ông Nghiêm phú Trường

Với chứng nhận hợp quy của 11 tổ chức nói trên, chứng nhận nào sai, yêu cầu tổ chức đó phải thu hồi. Thanh tra bộ sẽ phối hợp với Cục trồng trọt, chỉ đạo tuyến ở các tỉnh vào cuộc, tiến hành thu hồi chứng nhận sai, đồng thời giám sát chặt những sản phẩm cấp chứng nhận hợp quy không đúng trình tự thủ tục.

Cùng đó, Thanh tra chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, điều tra làm rõ việc giả mạo quyết định chứng nhận hợp quy của Cty CP Chứng nhận và Giám định Vinacert, cấp cho 36 sản phẩm của Cty CP Tập đoàn công nghệ cao Quốc tế Con cò vàng (nhà máy sản xuất phân bón ở Đồng Nai).

Cử nhân ngoại ngữ làm chuyên gia phân bón

Về việc buông lỏng quản lý, giám sát với các tổ chức đã chỉ định của Cục Trồng trọt, ông Trường cho biết, sau khi chỉ định, hàng năm Cục phải tổ chức giám sát, trong đó có giám sát sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt gần như chưa thực hiện được. Ngoài câu chuyện thiếu kinh phí, ít người, Cục trồng trọt còn phân công nhiệm vụ thực hiện việc này không khoa học.

Chẳng hạn, Cục đã sử dụng công chức quản lý hành chính nhà nước (thực hiện công quyền), đi đánh giá chỉ định rồi về tham mưu cho Cục trưởng; thậm chí có đoàn do lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn, rõ ràng là không khách quan, minh bạch, dẫn đến nể nang nhau. “Anh đi đánh giá, rồi về anh ký quyết định; tay trái đi làm, tay phải về ký, và cũng tay trái đó đi giám sát, rõ ràng không khách quan”- ông Trường nói.

Ngoài ra, công chức hành chính của Cục không phải là tay thử nghiệm viên, hoặc có tay nghề thử nghiệm viên. Bản thân họ cũng không phải là các chuyên gia đánh giá có kinh nghiệm, nhưng lại đi kiểm tra tay nghề của các thử nghiệm viên của các tổ chức chỉ định; đi đánh giá các chuyên gia… Vậy dựa vào tiêu thức nào để đánh giá? Đây chính là câu chuyện dẫn đến vi phạm.

Ông Trường cũng chỉ ra, chẳng hạn, tổ chức BOA (tổ chức chứng nhận) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN),  các thử nghiệm viên có tay nghề quốc tế, họ đánh giá tổ chức A, có máy móc, thiết bị trình độ, con người làm được 7 chỉ tiêu. Thế nhưng, sau đó, Cục Trồng trọt, khi đánh giá chỉ định, thì xác định tổ chức A có khả năng làm tới 17 chỉ tiêu… Không biết họ dựa vào tiêu chí nào để làm việc đó?

Theo Trưởng đoàn thanh tra, với chuyên gia đánh giá, yêu cầu có kinh nghiệm lĩnh vực phân bón 3 năm trở lên. Thế nhưng, có đơn vị dùng cử nhân kế toán, ngoại ngữ, kỹ sư tin học chỉ đi học một vài tuần lấy chứng chỉ. “Không có chứng chỉ về phân bón, nông nghiệp, đi học cấp tốc lấy chứng chỉ trong thời gian ngắn, chỉ đủ để nhận thức, nhận biết về phân bón mà coi đó là chuyên gia đánh giá sẽ dẫn đến hậu quả lớn”- ông Trường nói.

MỚI - NÓNG