Sang chảnh và phá bỏ lối đi của người khiếm thị
Năm 2014, UBND TP Hà Nội đã ban hành thiết kế mẫu hè phố, vỉa hè đường đô thị trên địa bàn, bao gồm cả hướng dẫn sử dụng và bản vẽ mẫu để nghiên cứu khi lập thiết kế xây dựng và cải tạo hè phố. Trong đó, việc xây dựng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Thiết kế mẫu này cũng yêu cầu đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ và mỹ quan đô thị trên một đoạn tuyến liên tục, tuyến phố bao gồm kết cấu hè, chủng loại vật liệu, quy cách, kích thước, màu sắc…
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng quy định, vỉa hè phải đảm bảo bằng phẳng, thoát nước và ưu tiên hướng đi dành cho người đi bộ… Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều địa điểm, khu vực vỉa hè được các doanh nghiệp, công ty làm với thiết kế khác hẳn với quy hoạch thiết kế toàn tuyến phố.
Tại khu vực đường Láng Hạ (Đống Đa) có một số địa điểm như vỉa hè trước cửa tòa tháp trụ sở VP Bank tọa lạc ở ngã tư Thái Hà - Láng Hạ được thiết kế xây dựng với phong cách riêng. Khu vực này được lát toàn bộ bằng đá có màu xanh lục tự nhiên cắt theo hình chữ nhật có chiều khoảng 10x20 cm, bó vỉa bằng đá tự nhiên.
Hai lối lên xuống được thiết kế rộng choán hết vỉa hè, có độ dốc cao, được lát bằng nhiều block bằng đá tự nhiên nhỏ, có kích thước khoảng 10x10 cm. Bên cạnh đó, vỉa hè trước cửa Tổng Cty Thép Việt Nam cũng được lát bằng đá tự nhiên màu trắng, xanh kích thước 20x20 cm, bó vỉa bằng đá tự nhiên. Trong khi đó, tuyến phố Láng Hạ, Thái Hà được thiết kế bằng gạch block có màu đỏ thẫm, kết hợp màu xanh.
Tại các khu phố mới được TP Hà Nội đầu tư xây dựng lát lại bằng đá tự nhiên cũng xuất hiện tình trạng “chơi trội”, phá cách. Tại phố Nguyễn Du, vỉa hè trước cửa trụ sở của một tập đoàn lớn được lát lại bằng đá tự nhiên kích thước 30x30 cm khá đẹp nhưng “quên” phần đường có rãnh dành cho người khuyết tật. Cạnh đó, vỉa hè trước toà nhà của một ngân hàng được lát bằng đá tự nhiên khác, có màu xanh lục, kích thước 20x40cm khá đẹp và chắc chắn, bó vỉa bằng đá tự nhiên không có phần hạ thấp… Trong khi đó, toàn tuyến phố này lát đá màu trắng, kích thước 30x30 cm.
“Đành rằng các công ty lát lại vỉa hè trước trụ sở làm bằng vật liệu tốt hơn, đẹp hơn công trình của Nhà nước để tạo điểm nhấn cho công trình, nhưng vỉa hè không còn là một thể thống nhất. Tình trạng đó giống như một cái áo của một thanh niên “chơi trội” bằng cách vá vào một miếng vải khác thường”. Ông Lê Văn Thịnh
Tương tự, tại tuyến phố Tôn Đức Thắng, toàn tuyến mới được thiết kế lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên có màu trắng kích thước 20x20 cm. Tuy nhiên, trước cửa trụ sở Tập đoàn Tân Á Đại Thành (số 124), vỉa hè được lát bằng màu xanh lục kích thước 20x40 cm. Toàn bộ vỉa hè trước cửa Tập đoàn này được hạ độ cao, bó vỉa thấp hơn so với toàn tuyến phố.
Ai chịu trách nhiệm?
Một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho hay, toàn bộ vỉa hè trước các trụ sở này đều do đơn vị tự làm, muốn tìm hiểu rõ cần phải xuống phường làm việc. Trong khi đó, ông Vũ Hồng Sơn, Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (nơi có hai trụ sở của Tổng Cty Thép Việt Nam, Tòa tháp VP Bank) cho hay, việc làm thủ tục cấp phép sửa chữa vỉa hè là do UBND quận quản lý và cấp phép.
Chuyên gia xây dựng Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định I - Cục Giám định Nhà nước về Công trình Xây dựng - Bộ xây dựng nhìn nhận: Quyền sở hữu, quản lý vỉa hè không thuộc người dân hay doanh nghiệp nào. Hiện nay, TP Hà Nội đang giao Sở Xây dựng quản lý các công trình đô thị, trong đó có vỉa hè.
Theo ông Thịnh, TP Hà Nội đã ban hành quyết định về việc thiết kế mẫu vỉa hè trên địa bàn, tức là phải tuân thủ, không ai có thể một mình làm trái được, nếu muốn làm khác đi thì phải xin phép và được UBND TP đồng ý. “Nếu Sở Xây dựng cấp phép cho doanh nghiệp tự sửa chữa, lát đá là sai, bởi khi UBND TP đã duyệt rồi thì dứt khoát phải tuân thủ, Sở Xây dựng có cấp phép chẳng khác nào bác bỏ quyết định của UBND TP” - ông Thịnh nói.