Lỗ hổng lớn trong công tác hướng nghiệp

Lỗ hổng lớn trong công tác hướng nghiệp
Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường Đại học Sư phạm TP.HCM vừa phối hợp với Công ty Wrigley - nhãn hàng kẹo cao su Cool Air tổ chức hội thảo “Nhận thức và thái độ của học sinh, sinh viên về định hướng tương lai”.
Lỗ hổng lớn trong công tác hướng nghiệp ảnh 1
Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - cho biết: tiến hành khảo sát tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ với 2.000 học sinh, sinh viên các trường công lập và dân lập cho thấy, 95% trả lời rằng động cơ thúc đẩy học tập là có việc làm tốt trong tương lai; 94% chọn có sự hiểu biết rộng; chỉ 69,1% chọn trở nên giàu có; 46,7% chọn thỏa mãn ý thích cá nhân...

Các kỹ năng như “có cá tính”, “có khả năng lãnh đạo”, “biết làm việc độc lập”, “biết tham gia các hoạt động xã hội”, “có niềm đam mê một lĩnh vực nào đó” và “có nhiều năng khiếu khác nhau” không được học sinh, sinh viên đánh giá cao.

Hầu hết học sinh, sinh viên đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của kiến thức (kỹ năng cứng), đặc biệt là tầm quan trọng của ngoại ngữ (94%) và khả năng sử dụng máy tính (92,9%).

Theo Tiến sĩ Kim Dung, xét về tính hướng nghiệp thì hiểu biết là một động cơ khá mơ hồ. Hiểu biết chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để có thể có việc làm tốt, trở nên giàu có, làm lãnh đạo, phục vụ đất nước.

Học sinh, sinh viên ngày nay thường được giáo dục chung chung với những động cơ to lớn và cao cả mà thiếu tính ứng dụng, thiếu tính thực tiễn.

Nghiên cứu đưa ra kết quả: 89,4% học sinh, sinh viên cho rằng, tư vấn của trường và 76% cho hay thầy cô không ảnh hưởng đến định hướng tương lai của mình. Nhân tố quyết định ở đây là bản thân và gia đình.

Theo nhóm nghiên cứu, các tổ chức tư vấn, các dịch vụ xã hội hoạt động kém hiệu quả là một lỗ hổng lớn trong công tác hướng nghiệp ở nước ta hiện nay.

Công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay còn mang nặng tính hình thức, chưa thể hiện đúng mục tiêu và chưa chuyên nghiệp.

Thêm nữa, có hơn 75% học sinh, sinh viên chọn tiếp tục học lên sau khi học xong chương trình đang học. Như vậy, tình trạng bế tắc trong các giải pháp phân luồng trong giáo dục vẫn còn tồn tại.

Theo H. Hg
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG