Mới đây, hải quân Mỹ cho biết siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN78), chiếc tàu sân bay tân tiến và đắt giá nhất thế giới, sẽ được đưa vào biên chế trong mùa hè này.
Với chi phí hoàn thiện lên tới 13 tỷ USD, tàu sân bay USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong số các tàu sân bay lớp Ford mà Mỹ đang đóng, dự kiến thay thế các tàu sân bay lớp Nimitz ngày càng trở nên lỗi thời trong biên chế hải quân nước này, theo USNI.
Tàu sân bay USS Nitmiz và đội tàu hộ tống của hải quân Mỹ. Ảnh: USNI
Chương trình đóng tàu sân bay lớp Ford được triển khai trong bối cảnh các cường quốc như Nga và Trung Quốc đang phát triển các loại tên lửa chống hạm ngày càng tiên tiến. Năm ngoái, Trung Quốc công khai tên lửa DF-21D, loại tên lửa đạn đạo được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay" với vận tốc cực cao và rất khó đánh chặn, làm dấy lên những tranh cãi quanh tương lai của các tàu sân bay Mỹ.
Theo các nhà phân tích quốc phòng, tàu sân bay luôn là biểu tượng cho sức mạnh và niềm tự hào của nước Mỹ, đồng thời là công cụ hữu hiệu để nước này triển khai sức mạnh tới bất cứ khu vực nào trên thế giới. Bởi vậy, việc tìm ra một loại vũ khí có thể vô hiệu hóa và đánh chìm tàu sân bay Mỹ luôn là mục tiêu nhắm đến của quân đội nhiều nước.
Việc sở hữu loại vũ khí có thể tiêu diệt được tàu sân bay Mỹ cũng mang lại giá trị tuyên truyền rất lớn, theo Kyle Murao, chuyên gia bình luận quốc phòng Mỹ trên tạp chí Naval Warfare. Với việc đánh chìm một hàng không mẫu hạm, đối phương sẽ giáng một đòn rất mạnh vào sĩ khí và lòng tự hào của các binh sĩ Mỹ, buộc Washington phải cân nhắc rất kỹ trước khi điều hạm đội tàu sân bay tới một điểm nóng nào đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích quân sự đã chỉ ra rằng những siêu tàu sân bay như USS Gerald R. Ford hay thậm chí là các tàu lớp Nimitz cũ hơn không phải là những chiến hạm có thể dễ dàng bị vũ khí đối phương đánh chìm.
Theo Chris Everett, quan sát viên về các vấn đề quân sự thế giới, tàu sân bay không bao giờ là mục tiêu dễ bị tiêu diệt. Các con tàu này liên tục di chuyển trên đại dương, với vận tốc khá lớn (tàu USS Gerald R. Ford có thể di chuyển với tốc độ 30 hải lý/giờ, tương đương 56 km/h). Phương pháp phổ biến nhất để diệt tàu sân bay là dùng vệ tinh để xác định vị trí của nó, sau đó phóng một quả tên lửa đạn đạo diệt hạm vào tọa độ đó.
Tuy nhiên, trong khi quả tên lửa phóng đi, chiếc tàu sân bay đã di chuyển sang vị trí khác, và nếu công nghệ dẫn đường, chỉ thị mục tiêu từ vệ tinh không bắt kịp với tốc độ di chuyển của mục tiêu, rất có thể quả tên lửa chỉ lao xuống biển.
Ngoài ra, bất cứ chiếc tàu sân bay nào cũng được bảo vệ bởi một đội tàu chiến và máy bay hiện đại, dựng lên nhiều lớp cảnh báo, phòng thủ tên lửa từ xa. Bất cứ thứ gì có dấu hiệu đe dọa đến tàu sân bay sẽ bị cụm tàu bảo vệ này phát hiện từ khoảng cách rất xa và lên phương án để bắn hạ từ trước. Nếu đối phương sử dụng tàu tên lửa hoặc tàu phóng ngư lôi để tấn công, những chiếc chiến đấu cơ trên tàu sân bay sẽ nhanh chóng cất cánh và dễ dàng tiêu diệt chúng trên biển.
Hệ thống phòng thủ tên lửa AEGIS trên các khu trục hạm, tuần dương hạm bảo vệ tàu sân bay có khả năng bắn hạ cả những tên lửa đạn đạo có vận tốc lớn. Trong trường hợp quả tên lửa may mắn vượt qua được hệ thống AEGIS, nó còn phải đối mặt với các vũ khí phòng thủ của tàu sân bay, chẳng hạn như pháo phòng không tầm gần Gatling có thể bắn ra hàng trăm viên đạn mỗi giây. Hệ thống Gatling này được trang bị hai radar, một để theo dõi, bắt bám mục tiêu, radar còn lại theo dõi luồng đạn dày đặc bắn ra, kết hợp với một máy tính cực mạnh để có thể tính toán quỹ đạo bắn tiêu diệt quả tên lửa đang lao đến.
Kể cả khi quả tên lửa vượt qua được hệ thống Gatling và đâm vào tàu sân bay phát nổ, nó cũng rất khó có khả năng gây hư hại nghiêm trọng cho tàu, chưa nói tới việc đánh chìm. Tàu sân bay Mỹ được thiết kế với lớp vỏ rất chắc chắn, các khoang kín khí tách biệt, và thủy thủ đoàn được huấn luyện rất tốt về khả năng chữa cháy và kiểm soát thiệt hại. Để có thể đánh chìm được tàu sân bay Mỹ, đối phương phải cần đến rất nhiều tên lửa có khả năng xuyên thủng được tất cả các lớp phòng thủ hiện đại như vậy, điều rất khó xảy ra trong thực tế.
Năm 1967, một tai nạn cháy nổ kinh hoàng đã xảy ra trên tàu sân bay USS Forrestal. Một sự cố về điện đã vô tình kích hoạt quả tên lửa Zuni trong ống phóng, khiến nó phát nổ ngay trên tàu. Ngọn lửa lan sang một chiếc máy bay chở đầy nhiên liệu và bom đạn ở gần đó, khiến nó nổ tung gần như tức thì, và kích hoạt chuỗi phản ứng nổ liên hoàn đối với những chiếc chiến đấu cơ bên cạnh.
Vụ nổ của những chiếc chiến đấu cơ đầy bom đạn này có sức công phá lớn hơn bất cứ quả tên lửa hay bom thông thường nào, khiến 134 thủy thủ trên tàu thiệt mạng. Thế nhưng chúng vẫn không đủ uy lực để có thể đánh chìm được tàu USS Forrestal, mặc dù tổng thiệt hại của sự cố này lên tới 72 triệu USD thời đó (tương đương 511 triệu USD hiện nay).
Boong tàu USS Forrenstal thủng một lỗ lớn sau hàng loạt vụ nổ kinh hoàng. Ảnh: US Navy
Theo Everett, biện pháp khả dĩ nhất để có thể tấn công tàu sân bay Mỹ không phải là bằng bom hay tên lửa, mà là các vũ khí phóng từ dưới lòng biển. Đối phương có thể sử dụng những chiếc tàu ngầm diesel-điện cực êm để bí mật tiếp cận, sau đó phóng ngư lôi vào thân tàu sân bay.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng ngư lôi cũng khó có thể diệt được tàu sân bay, bởi nó chỉ có thể gây thủng một khoang của tàu, thủy thủ trên tàu có thể dễ dàng đóng kín các khoang còn lại để ngăn nước tràn vào, và sử dụng hệ thống bơm cực mạnh để đẩy nước từ bên trong ra, giúp con tàu sân bay không bị chìm.
Ngoài ra, việc dùng tàu ngầm tiếp cận tàu sân bay Mỹ là không hề dễ dàng, bởi các cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ thường được hộ tống bởi một hoặc nhiều tàu ngầm tấn công. Những tàu ngầm hiện đại này được trang bị thiết bị thủy âm chủ động và thụ động, có khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương từ xa và có biện pháp tiêu diệt trước khi chúng tới gần.
Lỗ hổng chết người
Tuy nhiên, Mats Osterholm, cựu sĩ quan thủy âm thuộc lực lượng đặc nhiệm chống ngầm của hải quân Thụy Điển, cho rằng cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ không phải là bất khả xâm phạm như ý kiến của Everett. Tàu sân bay Mỹ vẫn có những lỗ hổng chết người, và nếu đối phương khai thác đúng lỗ hổng này, họ có thể đánh đắm được những chiến hạm lớn nhất thế giới.
Dẫn chứng mà Osterholm đưa ra là việc tàu ngầm HMS Gotland của hải quân Thụy Điển đã liên tiếp "đánh đắm" tàu sân bay USS Reagan trong các cuộc tập trận hải quân chung của NATO trên Thái Bình Dương. Trong một cuộc tập trận, tàu ngầm này còn len lỏi qua được các hệ thống cảnh giới của USS Reagan, nổi lên ngay sát tàu sân bay Mỹ và chụp ảnh mục tiêu thông qua kính tiềm vọng.
Trong một cuộc tập trận năm 2007 trên Đại Tây Dương, tàu ngầm diesel – điện HMCS Corner Brook của hải quân Canada cũng đã bí mật áp sát tàu sân bay USS Illustrious của Mỹ. Để chứng minh rằng họ có thể đánh chìm được tàu sân bay này, thủy thủ trên tàu Corner Brook đã chụp ảnh tàu USS Illustrious qua kính tiềm vọng, và bức ảnh sau đó được hải quân Canada công bố.
"Bức ảnh này là bằng chứng vững chắc cho thấy tàu ngầm của chúng tôi đã nằm trong phạm vi tấn công, và nếu chúng tôi công kích, tàu sân bay chắc chắn sẽ bị đánh chìm", tướng Luc Cassivi, chỉ huy trưởng lực lượng tàu ngầm Canada, tuyên bố.
Bức ảnh thủy thủ tàu ngầm HMCS Corner Brook chụp tàu sân bay USS Illustrious của Mỹ qua kính tiềm vọng. Ảnh: Canadian Navy
Hải quân Thụy Điển và Canada không công bố phương pháp mà tàu ngầm họ sử dụng để qua mặt hệ thống cảnh giới của cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ. Dù sao, đó cũng chỉ là những cuộc tập trận, không gây hậu quả thực tế như vụ tàu sân bay Mỹ đụng độ với tàu ngầm Liên Xô năm 1984.
Hồi đó, một tàu ngầm lớp Victor của Liên Xô đã vờn nhau với tàu sân bay USS Kitty Hawk của Mỹ ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Sau nhiều ngày theo dõi, USS Kitty Hawk bất ngờ mất dấu tàu ngầm Liên Xô, và đến đêm, chiếc tàu sân bay nặng 80.000 tấn này va chạm với chiếc tàu ngầm 5.000 tấn.
"Tôi thấy tàu rung lắc dữ dội, và nhìn ra ngoài, tôi có thể thấy kính tiềm vọng và tháp chỉ huy của chiếc tàu ngầm đang di chuyển", hạm trưởng Dave Rogers kể lại với tờ Sydney Morning Herald. Hôm sau, một chiếc máy bay tuần tra của Nhật phát hiện tàu ngầm Victor đang lết về cảng nhà với vận tốc 5 km/h.
Những vụ việc này chứng tỏ một điều hệ thống thủy âm của cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ không phải lúc nào cũng hoạt động tốt và có thể phát hiện bất cứ tàu ngầm nào đang áp sát. Trong trường hợp một chiếc tàu ngầm diesel – điện âm thầm tiến tới đủ gần, nó có thể phóng một lúc nhiều ngư lôi và đánh đắm tàu sân bay gần như ngay lập tức.
Theo giải thích của Osterholm, ngư lôi thường không được bắn trúng vào thân tàu, mà chúng phát nổ bên dưới lườn tàu, tạo ra một bong bóng khí khổng lồ nhấc cả con tàu lên khỏi mặt nước và đập xuống. Vùng nước xung quanh bong bóng khí này bị nén với áp suất lớn, và khi áp suất của nước lớn hơn áp suất không khí trong bong bóng, khối không khí trong lòng biển sẽ bị ép lại. Đến một mức nào đó, không khí bị nén trong bong bóng quá lớn lại tiếp tục bung ra, và chu trình này tiếp tục lặp đi lặp lại.
Thông thường một quả ngư lôi cỡ 533 mm với 400 kg thuốc nổ có thể tạo ra 8-12 chu trình nén – ép như vậy, khiến lườn tàu liên tục bị nhấc lên, đập xuống như một thanh thép bị bẻ đi bẻ lại nhiều lần. Khi nhiều quả ngư lôi cùng phát nổ, "thanh thép" khổng lồ đó bị bẻ liên tục ở một điểm, khiến lườn tàu không chịu nổi và gãy đôi, và cả chiếc tàu sân bay nặng hàng nghìn tấn sẽ vỡ tan, chìm xuống biển.
"Ngư lôi là vũ khí lợi hại nhất để đánh chìm tàu sân bay, hơn cả tên lửa diệt hạm, bom hay đạn pháo, bởi nó luôn đánh trúng điểm yếu nhất của mục tiêu là lườn tàu. Tàu sân bay Mỹ có hệ thống phòng thủ trên không và mặt nước gần như bất khả xâm phạm, nhưng khả năng giám sát dưới lòng biển không được chặt chẽ như thế. Đây chính là lỗ hổng chết người của tàu sân bay Mỹ, lỗ hổng có thể được khai thác bằng các tàu ngầm siêu êm", Osterholm kết luận.