Lộ diện quốc gia 'thống trị' Hồ sơ Panama

Khu Phố Đông tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Khu Phố Đông tại Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: Reuters
Các cá nhân và tổ chức nước này chiếm tới gần 25% cái tên trong danh sách chủ sở hữu của hơn 360.000 công ty 'ngoại quốc'.

Hồ sơ Panama hé lộ 214.000 cái tên trên toàn cầu. Riêng Hong Kong (Trung Quốc) đóng góp 26.000 cá nhân và tổ chức, chiếm 10%. Trung Quốc đóng góp 33.300 và Đài Loan (Trung Quốc) có 19.600 công ty, cá nhân liên quan.

Người Hong Kong cũng sở hữu khoảng 10% các công ty nước ngoài (offshore company). Con số này chỉ đứng sau British Virgin Islands.

Phần lớn chính trị gia, doanh nhân và người nổi tiếng tại Trung Quốc đã được giới truyền thông nêu tên. Kenneth Leung – một nhà làm luật tại Hong Kong cho biết mức độ liên quan đến đô thị 7 triệu dân này trong Hồ sơ Panama là "rất sốc". Ông đã thúc giục giới chức thuế vào cuộc.

Dù việc giữ tiền trong tài khoản ở nước ngoài không phải là điều bất hợp pháp, Hồ sơ Panama lại làm dấy lên mối lo về sự minh bạch, chính xác và các giao dịch ngầm. Chúng có thể được sử dụng để che giấu tài sản và làm nhiễu việc quản lý thuế. 

Hoạt động này khá phổ biến tại Trung Quốc, cho phép giới doanh nhân có thể kiểm soát vốn hiệu quả hơn hoặc hợp tác với các đối tác nước ngoài.

"Các công ty nước ngoài cũng là mô hình khá phổ biến tại Hong Kong. Do không như các nơi khác, Hong Kong không yêu cầu cổ đông kê khai các tài sản sở hữu qua các thiên đường thuế", Leung cho biết. Việc này giúp cư dân ở đây có thể né thuế.

Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Nó được Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố lần đầu vào đầu tháng 4, và đăng tải chi tiết danh sách các cá nhân, tổ chức liên quan hôm 9/5.

Báo cáo dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp khách hàng lập ra hàng trăm nghìn công ty tại những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, như Quần đảo British Virgin, Quần đảo Cayman, Quần đảo Seychelles và Bermuda. 

Những địa điểm này hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt. Họ còn có quy định công bố thông tin rất lỏng lẻo, biến mình thành điểm đến lý tưởng cho các hoạt động ngầm, như né thuế hay rửa tiền.

Rất nhiều nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo chính trị và doanh nhân đã xuất hiện trong danh sách này. Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, Bộ trưởng công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria đã phải từ chức sau khi tên hai ông xuất hiện trong Hồ sơ Panama. 

Thủ tướng Anh David Cameron phải công khai hồ sơ thuế. Nhiều người giàu ở Australia, Pháp, Ấn Độ, Mexico, Peru, Tây Ban Nha và các quốc gia khác cũng bị điều tra do nghi ngờ trốn thuế.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG