Lộ diện muôn hình vạn trạng rào cản trong kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đây là phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: 'Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp', do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 19/7. Tình trạng xung đột pháp lý giữa các luật cũng khiến doanh nghiệp không biết tuân thủ sao cho đúng.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam - phản ánh, môi trường đầu tư kinh doanh đang rất khó khăn. Các rào cản kinh doanh xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng. Thậm chí xảy ra xung đột pháp lý giữa các luật. Ngay trong cùng một bộ chuyên ngành, chính sách do cục, vụ xây dựng cũng mâu thuẫn nhau.

“Để thực hiện một dự án bất động sản, doanh nghiệp phải cần tới 40 con dấu phê duyệt của bộ, ngành. Doanh nghiệp làm nhanh trong thời gian 2,5 năm, với doanh nghiệp chậm phải mất từ 5-10 năm mới xong thủ tục dự án. Mỗi địa phương quan niệm thủ tục đầu tư dự án bất động sản khác nhau vì văn bản pháp luật chưa rõ ràng, ai hiểu như thế nào cũng được”, ông Hiệp phản ánh.

Lộ diện muôn hình vạn trạng rào cản trong kinh doanh ảnh 1

Tại diễn đàn do VCCI tổ chức, doanh nghiệp phản ánh, các rào cản kinh doanh muôn hình vạn trạng.

Cùng nêu khó khăn của doanh nghiệp, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa - cho biết, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng chỉnh sửa quy định về phòng cháy chữa cháy theo hướng tạm dừng xử phạt, tránh tình trạng “vừa sửa đổi quy định, vừa xử phạt”. Việc tạm dừng xử phạt sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian đầu tư, nâng cấp đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy.

Theo ông Đoan, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu thụ sản phẩm khiến doanh nghiệp không trả kịp thời vốn vay ngân hàng, bị điều chuyển nhóm nợ.

Trong thời gian sửa đổi quy định phòng cháy chữa cháy, cơ quan chức năng vẫn xử phạt doanh nghiệp dẫn đến tình trạng “vừa sửa, vừa xử”. Điều này càng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Cơ quan chức năng cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công trong ngắn hạn.

“Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội, doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”, ông Long cho biết.

Lộ diện muôn hình vạn trạng rào cản trong kinh doanh ảnh 2

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kiến nghị thành lập cơ quan giám sát, thúc đẩy cải cách thể chế.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Trong khi đó, các quy định mới khiến doanh nghiệp phát sinh nhiều chi phí. Về mặt lý thuyết, một quy định pháp luật tạo ra 5 loại chi phí: Chi phí thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí đầu tư tính bằng tiền, chi phí cơ hội và chi phí không chính thức.

“Nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên”, ông Hiếu kiến nghị.

MỚI - NÓNG