Cũng phải đến năm thứ 20 của sự nghiệp, Lê Anh Dũng mới bắt tay vào làm đêm nhạc lớn đầu tiên. Điều không phải ca sĩ nào tầm tuổi như anh ở Hà Nội cũng có thể làm dù thực lực. Hóa ra sau một vài kinh nghiệm xương máu trên thương trường, anh vẫn tiếp tục “âm thầm” kinh doanh để giờ đây có thể toàn tâm toàn ý “chơi” âm nhạc.
Nhạc Đức Huy đã quá nổi rồi nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện album với duy nhất một người hát. Lê Anh Dũng tìm thấy sự đồng điệu trong âm nhạc Đức Huy. “Nhạc Đức Huy thường tạo cho người ta sự lạc quan, hy vọng, kể cả có buồn cũng không bi lụy. Vì thế mà âm nhạc của anh có sự kết nối cộng đồng khá lớn”, Dũng nhận xét. “Anh quá từng trải, đã bôn ba nhiều trên thế giới, cũng có lúc bỏ viết nhạc đi làm nhiếp ảnh. Nhưng cái nghiệp và khán giả vẫn chọn nên anh vẫn tiếp tục làm nhạc sĩ”.
Chính Lê Anh Dũng cũng từng manh nha ý định bỏ hát đi kinh doanh khi đã “trót” bập vào. “Kinh doanh là phải tính toán kỹ, chi li, chặt chẽ, rất khéo léo, dồn nhiều thời gian mới đem lại hiệu quả chứ không thể cưỡi ngựa xem hoa được. Nhiều nghệ sĩ kinh doanh thất bại vì không biết quản lý… Sau hai bài học đến giờ tôi đã đúc kết cho mình chút vốn liếng”, Dũng chia sẻ.
Chả là hai năm sau khi đoạt quán quân Sao Mai, Lê Anh Dũng đã mở một phòng trà khá lớn tại Hà Nội khi NSND Thanh Hoa vừa đóng cửa Aladin. Hai năm sau, anh cũng phải đóng cửa. “Trong Nam, người dân thích buổi tối thích đến các tụ điểm ca nhạc giải trí. Dân Bắc lại thích văn hóa vỉa hè, hát cho nhau nghe hoặc karaoke thôi chứ ko có thói quen đến phòng trà. Phòng trà ở Hà Nội mời sao mà vẫn duy trì được thường là do họ đã có sẵn địa điểm không phải thuê và chấp nhận không lãi để mở ra chỗ chơi, chỗ quan hệ. Chứ kiếm sống bằng kinh doanh phòng trà ngoài Bắc tôi khẳng định không có”, Dũng kết luận. Nhưng cái được của thương vụ này là đối tác về sau trở thành vợ.
Dự án tiếp theo còn hoành tráng hơn, một salon tóc và móng thu hút khá nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng đến nay vẫn còn hoạt động nhưng đã được sang tên. Vì Dũng nhanh chóng nhận ra khách hàng đi theo thợ chứ không theo salon. Thợ thôi việc là salon mất khách. “Cũng may mình rút sớm. Chứ nếu không biết nghề mà cứ duy trì thì suốt ngày chạy theo nó”. Dũng cho hay anh vẫn tiếp tục kinh doanh nhỏ (kinh doanh gì thì không nói), đi chậm nhưng chắc và vẫn có lợi nhuận đều.
Một vài nghệ sĩ từ khi thành công trong kinh doanh, thì mỗi khi cất giọng, lại thấy sự bay bổng giảm đi ít nhiều. Dũng đồng ý: “Chính xác, nó mất đi độ khát khao cháy bỏng khi họ nghĩ quá nhiều về việc kinh doanh. Chính vì thế tôi thả hẳn mảng kinh doanh, bàn giao quá trình quản lý cho người mình tin tưởng. Làm gì cũng thế. Mình nên đặt niềm tin vào người mình cảm thấy xứng đáng. Quan trọng là nhìn vào hiệu quả kinh doanh. Chứ không phải lo họ đang làm gì, ‘ăn’ gì của mình”. Ngoài ra anh còn có phòng thu riêng vừa phục vụ công việc vừa làm dịch vụ. Mùa Thu này, Dũng dự định ra album kép gồm hơn 20 bài nhạc xưa với 4 tác giả Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng, Vũ Thành An theo phong cách acoustic.
Vợ nhường chồng sự nghiệp
Chuyện tình cảm của Lê Anh Dũng khá thú vị khi Lê Trinh vợ anh cũng có khả năng ca hát và từng giấu chồng đi thi Solo cùng Bolero. Vào chung kết cô mới thông báo. “Lúc ấy thì chỉ còn biết ủng hộ thôi chứ sao giờ”, Dũng cười. “Mình cũng muốn cho bà xã được thỏa ước mơ”. Lê Trinh sau đó đoạt Á quân và lên kế hoạch theo nghiệp ca sĩ.
Sau 2 năm trải nghiệm với showbiz, cô cũng nhận ra làm ca sĩ không hề dễ dàng. “Tự bà xã nhận ra và quyết định dừng lại, lùi về phía sau để lo cho tôi và gia đình. Tôi rất cảm kích và tôn trọng quyết định của vợ. Vì tôi hiểu phụ nữ làm nghệ thuật vốn đã vất vả, đất diễn cho dòng nhạc bolero chủ yếu lại trong Nam phải bay đi bay về liên tục. Dòng nhạc này lại hợp với các cuộc các cuộc giao lưu, thù tiếp… khiến sức khỏe của cô ấy cũng bị ảnh hưởng.”
Lê Trinh hiện có công việc độc lập, không dính dáng tới chồng, thỉnh thoảng vẫn đi diễn. Trước khi “thử” làm ca sĩ, cô làm nhân viên ngân hàng và MC truyền hình. Hai vợ chồng gắn bó 14 năm, và về chung nhà đã được 11 năm, có hai con một trai một gái.
“Tất nhiên bất kỳ cặp vợ chồng nào đều có những lúc sóng gió nhưng rất may mọi xung đột trong gia đình tôi chỉ thoảng qua, chưa thành sóng lớn. Nhờ một phần chúng tôi thấu hiểu, tin tưởng nhau. Khi có khúc mắc gì thì đều nói ra ngay chứ không để trong lòng”.
Lê Anh Dũng sinh ra trong gia đình làm nông ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Lúc nhỏ mọi việc như cấy, nhổ mạ, tát nước, đập lúa, phơi rơm… đều từng qua tay. Anh coi đó là may mắn của mình vì: “Nhờ quãng thời gian đấy cho mình cách nhìn nhận về cuộc sống, biết trân quý lao động và đồn tiềng mình kiếm ra”.
Mặc dù tích cực tham gia văn nghệ ở trường phổ thông nhưng ca hát không phải lựa chọn nghề nghiệp đầu tiên của Lê Anh Dũng. Anh từng thi Lâm nghiệp và thiếu nửa điểm thì đậu trường Y. Năm sau anh thi liền 3 trường nghệ thuật đậu cả ba. Anh lựa chọn Học viện Âm nhạc Quốc gia và hiện đang là giảng viên của trường.