Lính không quân Mỹ thoát chết thần kỳ khi rơi từ độ cao 6.700 m

Một xạ thủ tháp súng trên máy bay chiến đấu Mỹ. Ảnh: US Air Force
Một xạ thủ tháp súng trên máy bay chiến đấu Mỹ. Ảnh: US Air Force
Alan Magee là trường hợp sống sót kỳ diệu trong Thế chiến II khi rơi khỏi máy bay bị cháy ở độ cao 6.700 m mà không có dù.

Theo trang We Are The Mighty, Alan Magee là xạ thủ tháp súng trên máy bay B-17, được đặt tên "Snap! Crackle! Pop!", theo tên ba nhân vật hoạt hình có trên vỏ hộp ngũ cốc của hãng Rice Krispies. Cơ trưởng của chuyến bay, ông Jacob Fredericks, từng là nhân viên của hãng thực phẩm trên trước khi nhập ngũ.

Chiếc máy bay, cùng các máy bay khác thuộc phi đội 360 được điều đi ném bom một kho chứa ngư lôi của phát xít Đức tại khu vực St. Nazaire, Pháp ngày 3/1/1943.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, chiếc B-17 đã vấp phải hỏa lực phòng không từ mặt đất của đối phương, và bốc cháy. Magee đã leo từ khu vực tháp súng vào trong thân máy bay để tìm dù. Tuy nhiên chiếc dù đã bị hỏa lực địch phá hủy.

Trong lúc Magee đang tìm cách thoát thân khác, thêm một loạt đạn nữa xuyên thủng vỏ máy bay, rồi một chiếc tiêm kích bắn phá chiếc B-17. Magee bất tỉnh và rơi khỏi máy bay. Khi Magee tỉnh, anh thấy mình đang rơi trên không và không hề có dù. Anh chỉ còn biết cầu nguyện.

Theo bản báo cáo của Đội ném bom 303, Magee lúc đó lẩm nhẩm rằng: "Con không muốn chết bởi con vẫn chưa hiểu gì về cuộc sống cả".

Trong tình trạng thiếu ôxy và bị sốc do những gì đã xảy ra vài phút trước đó, Magee lại ngất đi. Nhưng dường như Chúa trời đã lắng nghe lời cầu nguyện của anh. Anh rơi xuống khu vực thị trấn St. Nazaire và xuyên qua trần nhà bằng kính của nhà ga xe lửa. Sau đó, người ta tìm thấy Magee đang treo lủng lẳng trên dầm thép đỡ trần nhà

Lớp trần bằng kính đã giúp giảm vận tốc cú rơi từ độ cao 6.700 m, và khi Magee tỉnh lại, binh sĩ Đức đưa anh tới bệnh viện. Anh thoát chết với chân phải và mắt cá chân bị gãy, trên người có 28 vết thương do các mảnh đạn và kính. Tay phải của anh gần như bị đứt lìa trong khi bên trong cơ thể cũng có nhiều tổn thương khác.

"Tôi biết ơn bác sĩ quân y Đức đã điều trị cho tôi", Magee nói. "Ông ấy nói với tôi rằng 'chúng ta là kẻ thù, nhưng tôi trước hết là một bác sĩ và tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu cánh tay cậu'".

Và quả thực, Magee đã giữ được cánh tay của mình, và thậm chí còn bình phục hoàn toàn. Anh bị giữ làm tù binh trong suốt phần còn lại của cuộc chiến.

Magee được trả tự do tháng 5/1945. Sau chiến tranh, Magee lấy được bằng phi công và làm việc trong ngành hàng không trong một loạt các vai trò. Ông nghỉ hưu vào năm 1979.

Năm 1995, ông Magee được mời trở lại thăm Pháp trong khuôn khổ một buổi lễ do người dân Pháp tài trợ, để tri ân công lao của các binh sĩ lực lượng Đồng minh trong những năm chiến tranh. Magee đã được thấy những tác phẩm tri ân phi hành đoàn chiếc "Snap! Crackle! Pop!" năm xưa. Magee qua đời năm 2003, hưởng thọ 84 tuổi.

Tạp chí Smithsonian liệt kê trường hợp của Magee là một trong 10 câu chuyện sống sót ấn tượng nhất trong Thế chiến II.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG