Sau khi quân đội Mỹ - NATO rút đi và lực lượng Taliban bắt đầu tiến đánh thần tốc, một đơn vị gồm 20 binh sĩ thuộc lực lượng Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) đã nhận được lệnh hành quân tới thủ đô Kabul để sơ tán khỏi Afghanistan.
Đơn vị này được thông báo, rằng sẽ không có máy bay trực thăng nào có thể đưa họ ra khỏi miền Nam Afghanistan, nơi họ đang đóng quân để thực hiện nhiệm vụ bí mật.
“Đội SAS đã ở Afghanistan suốt nhiều tháng để thực hiện một nhiệm vụ do thám bí mật. Sau đó tình hình trở nên tồi tệ. Họ được yêu cầu dừng mọi hoạt động và sẵn sàng lên đường đến Kabul”, một nguồn tin tiết lộ.
Bị buộc phải bỏ lại hầu hết các thiết bị quân sự, nhóm binh sĩ SAS đã quyết định liều lĩnh mua năm chiếc xe taxi và lái hàng trăm dặm đến Kabul.
Để vượt qua các trạm kiểm soát của Taliban, đơn vị này được cho là đã tranh thủ sự giúp đỡ của cảnh sát chống khủng bố Afghanistan.
Phía Afghanistan cung cấp cho các binh sĩ SAS những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ với nhiều màu sắc khác nhau. Bộ trang phục này giúp che phủ toàn bộ khuôn mặt của người mặc.
Cầm cờ Taliban đóng giả làm những người phụ nữ sùng đạo đến thủ đô để ăn mừng sự trở lại của nhóm chiến binh, các binh sĩ Anh đã dễ dàng vượt qua các trạm kiểm soát.
“Có một số khoảnh khắc đau tim, nhưng ngay cả các tay súng Taliban cũng không muốn lột bỏ khăn che mặt của phụ nữ”, nguồn tin cho biết.
Ở Kabul, nhóm binh sĩ tiếp tục lái taxi đến gần sân bay. Gặp chốt canh của lính Mỹ bên ngoài sân bay Hamid Karzai, các binh sĩ SAS thì thầm thông báo “đây là lực lượng đặc nhiệm Anh”.
“Một binh sĩ Mỹ lúc ấy đã chết lặng và bảo: nói lại xem nào?”, nguồn tin kể. Sau đó, nhóm SAS được dẫn vào một căn phòng kín, nơi cuối cùng họ cũng có thể lột bỏ bộ trang phục phụ nữ và liên lạc với đại diện quân đội Anh.
Lính Mỹ canh gác ở sân bay Kabul. Ảnh: Reuters |
Hàng loạt nước phương Tây, bao gồm Anh, đã tiến hành chiến dịch sơ tán công dân khỏi Afghanistan sau khi thủ đô Kabul thất thủ ngày 15/8.
Anh đã đưa hơn 15.000 người ra khỏi Afghanistan, trong đó có hơn 5.000 công dân nước này. Chiếc máy bay cuối cùng của lực lượng Không quân Anh đã cất cánh khỏi sân bay Hamid Karzai vào ngày 28/8. Tuy nhiên, hàng nghìn người đủ điều kiện đến Anh, bao gồm cả những người Afghanistan làm việc cho người Anh và gia đình của họ, được cho là đã bị bỏ lại.